Quản lý thu mua phế liệu: Đừng để mất bò mới lo làm chuồng
Cập nhật ngày: 23/01/2018 14:44
Tháng 3 năm 2016, dư luận chưa hết bàng hoàng sau vụ nổ xảy ra tại kho phế liệu ở Hà Đông (Hà Nội) gây thiệt hại nặng về người và tài sản thì mới đây tại huyện Yên Phong (Bắc Ninh) lại tiếp tục xảy ra vụ việc đáng tiếc, nguyên nhân được xác định do chủ cửa hàng thu mua vật liệu nổ để chế xuất phế liệu. Điều này đã làm dấy lên nghi ngại về vấn đề quản lý thu mua phế liệu hiện nay… Tồn tại những “mặt trái”

Từ những vụ việc đáng tiếc kể trên, không ít người giật mình lo sợ về sự an toàn tại những điểm kinh doanh sắt vụn, phế liệu ngay tại khu dân cư. Mặc dù thu mua phế liệu (TMPL) là một trong những hình thức kinh doanh góp phần làm sạch môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên nhưng việc các điểm TMPL hoạt động tự phát khó kiểm soát, không tuân thủ các quy định về kinh doanh, môi trường, phòng chống cháy nổ (PCCN), gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe các hộ dân xung quanh, mất mỹ quan trong khu vực dân cư… là những mặt trái tồn tại hiện nay.

Việc các cơ sở TMPL không có bất kỳ loại giấy tờ nào để chứng minh đã được cấp phép kinh doanh mà vẫn ngang nhiên hoạt động là vi phạm pháp luật, song thực tế hiện nay, trên địa bàn thành phố Việt Trì và huyện lân cận, không khó để bắt gặp các cơ sở, điểm TMPL mọc lên, “nhếch nhác” nằm giữa các khu dân cư. 

Tại một cơ sở TMPL ở khu 7 xã Thanh Đình (thành phố Việt Trì), vào giờ tan tầm có nhiều lượt xe vận chuyển phế liệu được đem đến bán cho cơ sở. Theo phản ánh của người dân xung quanh, phế liệu được gom từ nhiều nguồn khác nhau, gồm đủ các chủng loại từ bìa cát tông, bao bì, nylon, nhựa, vỏ chai lọ thủy tinh đến sắt vụn, thậm chí có cả thùng đựng dung môi hóa chất các loại… được chất đống la liệt, “án ngữ” trên lòng, lề đường để tiện bề “buôn bán”. Mỗi ngày có hàng chục chuyến xe chất đầy phế liệu được thu gom từ các nơi tập trung về đây... Nhiều người than phiền khi ngày ngày phải “sống chung” với “vựa” phế liệu hôi hám và bụi bặm này. Chưa kể, các phế liệu có hóa chất, mỗi khi mưa xuống, bị ướt lại bốc mùi rất khó chịu…

Bên cạnh việc ảnh hưởng môi trường, mỹ quan trong khu vực dân cư, hầu hết tại các điểm TMPL hiện nay đều không đảm bảo các yêu cầu về an toàn PCCN, không được trang bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy, hệ thống đường dây điện cũ kỹ, giăng mắc chằng chịt, rất dễ xảy ra chập cháy. Thế nhưng chủ cơ sở vẫn đốt nhang, bày bếp nấu ăn ngay cạnh, thậm chí cả trong kho hàng chật hẹp, trong khi nhiều loại nguyên liệu được thu mua có nguy cơ gây cháy nổ rất cao như tủ lạnh, tivi, bình gas cũ… được bày biện ngổn ngang, tiềm ẩn những hiểm họa khó lường.  

Trách nhiệm còn bỏ ngỏ

Theo ý kiến từ cơ quan chức năng, hiện rất khó xác định số lượng cơ sở kinh doanh, TMPL trên địa bàn, bởi chủ yếu các cơ sở này hoạt động nhỏ lẻ, theo quy mô hộ gia đình nằm xen lẫn các khu dân cư. Về mặt luật pháp, kinh doanh phế liệu là một loại hình kinh doanh có điều kiện. Theo quy định, các cơ sở này phải đáp ứng được những yêu cầu bắt buộc như ngoài giấy phép kinh doanh còn phải có giấy cam kết bảo vệ môi trường, có hệ thống PCCN... Quy định là thế nhưng trên thực tế, phần lớn các cơ sở kinh doanh, TMPL trên địa bàn tỉnh đều hoạt động khi chưa bảo đảm được các điều kiện nêu trên.

Luật Bảo vệ môi trường 2014 chỉ rõ, việc kinh doanh phế liệu phải được lập kế hoạch bảo vệ môi trường. Đối với phương án đầu tư sản xuất, kinh doanh dịch vụ quy mô hộ gia đình được UBND cấp huyện ủy quyền bằng văn bản, UBND cấp xã xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường. Có nghĩa, theo luật định, hầu hết các cơ sở TMPL hiện nay trên địa bàn tỉnh đều do cấp huyện, thành, thị và UBND cấp xã, phường trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các cơ sở TMPL đều chưa thực hiện việc lập kế hoạch bảo vệ môi trường, về phía chính quyền các địa phương mới chỉ yêu cầu các cơ sở trên ký cam kết bảo vệ môi trường giống như các hộ dân khác sinh sống trong khu dân cư và thông qua hình thức vận động, tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh buôn bán phế liệu đảm bảo các yếu tố vệ sinh môi trường, an toàn PCCN, chứ chưa áp dụng biện pháp xử phạt nào.

Từ nhiều năm nay, buôn bán, TMPL được xem là nghề thu lợi cao, tình trạng các  “vựa đồng nát” mọc lên “như nấm” mặc những ràng buộc về pháp lý, cho thấy sự lỏng lẻo trong quản lý, công tác phối hợp kiểm tra giám sát các cơ sở TMPL trên địa bàn giữa UBND các xã, phường và các phòng, ban chuyên môn còn hạn chế, chưa được coi trọng, ở nhiều địa phương việc kiểm tra, xử lý vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Câu hỏi đặt ra: Cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm giám sát và quản lý việc TMPL khi có sự cố cháy nổ xảy ra?! 

Cần có những giải pháp

Việc các cơ sở kinh doanh phế liệu hoạt động tự phát và không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, an toàn cháy nổ nếu không được quản lý, giám sát chặt chẽ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Theo ông Nguyễn Bá Thọ, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường, để quản lý tốt việc TMPL cần nêu cao trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, thời gian tới, Chi cục sẽ tham mưu cho Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đối với các cơ sở kinh doanh thu mua, tái chế phế liệu, yêu cầu các đơn vị này phải ký cam kết, đầu tư đầy đủ các trang thiết bị xử lý chất thải, rác thải trước khi tiến hành kinh doanh. Bên cạnh đó, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đối với các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các chủ cơ sở kinh doanh, nhằm giúp cho họ hiểu hơn việc TMPL phải bảo đảm cảnh quan môi trường, PCCN.

Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, TMPL. Riêng đối với các cơ sở chưa có giấy phép kinh doanh hoặc có giấy phép nhưng chưa tuân thủ đúng các quy định, tùy theo mức độ sẽ xử phạt hành chính, đồng thời ấn định thời gian khắc phục và hướng dẫn cho các cơ sở này thực hiện kinh doanh đúng các quy định... Các cơ sở TMPL phải có biện pháp bảo đảm an toàn khu vực kinh doanh, có phương tiện PCCN hữu hiệu vì nhiều phế liệu có nguy cơ cháy nổ cao như vỏ bom, đạn, bình gas...; có biện pháp giữ gìn vệ sinh môi trường khu vực kinh doanh và các hộ xung quanh, che chắn bảo đảm mỹ quan đô thị. Xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh không đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn cháy nổ…

Từ thực trạng nguy cơ mất an toàn kể trên, đã đến lúc các cơ quan, lực lượng chức năng cần có cách nhìn thấu đáo về loại hình kinh doanh đặc biệt này, từ đó, quy hoạch các điểm, cơ sở thu mua tập trung hợp lý và có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, đồng thời nâng cao ý thức, kỹ năng về an toàn vệ sinh lao động, PCCN cho các lao động tham gia thu gom, xử lý phế liệu, từng bước đẩy lùi nguy cơ mất an toàn, tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra…

 

 

PTO