Phát huy vai trò của người đại biểu nhân dân
Cập nhật ngày: 19/12/2017 12:34
Hội đồng nhân dân cấp thành phố Việt Trì nhiệm kỳ 2011 – 2016 hiện có 39 đại biểu. Bên cạnh đó, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân còn có một đội ngũ đông đảo đại biểu HĐND cấp xã, phường. Để đảm bảo đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố trên mọi lĩnh vực đến với đời sống nhân dân, các đại biểu HĐND các cấp đã có nhiều phương thức hoạt động nhằm phát huy tốt nhất vai trò và trách nhiệm của người đại biểu.

Theo Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, “Hiệu quả hoạt động của HĐND được đảm bảo bằng hiệu quả của các kỳ họp HĐND, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, các Ban của HĐND và các đại biểu HĐND”. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn, chất lượng hoạt động của HĐND các cấp phụ thuộc chủ yếu và được quyết định bởi chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND. Muốn HĐND hoạt động hiệu quả, thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, là nơi bảo đảm cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ, đòi hỏi hoạt động của người đại biểu phải luôn đổi mới, mà trước hết phải đổi mới từ nhận thức. 

Từ hoạt động của HĐND thành phố trong thời gian qua cho thấy, một số đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm, đại biểu không phải là thành viên các Ban của HĐND thường ít tham gia vào hoạt động của Thường trực và các Ban của HĐND, ít tham gia thảo luận, đóng góp tại diễn đàn kỳ họp hoặc có tham gia đóng góp nhưng chưa đầy đủ, chất lượng chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do nắm thông tin không đầy đủ, kịp thời; do tính chất kiêm nhiệm của phần lớn đại biểu HĐND nên thời gian, công sức dành cho hoạt động của cơ quan dân cử còn hạn chế, các đại biểu cũng không có nhiều điều kiện và thời gian tiếp cận với các nguồn thông tin cần thiết để phục vụ hoạt động. 

Để “HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương” đúng nghĩa của nó thì mỗi người đại biểu HĐND phải xác định đúng vị trí, vai trò và nhiệm vụ là “người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương”. Từ đó chủ động, tích cực tham gia các hoạt động thuộc trách nhiệm của người đại biểu, thể hiện đầy đủ quyền hạn của mình trên các lĩnh vực hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và nhiệm vụ của người đại biểu HĐND. Bên cạnh trách nhiệm và lòng nhiệt huyết còn đòi hỏi mỗi người đại biểu phải không ngừng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, trau dồi kiến thức, kỹ năng hoạt động đại biểu để thực hiện ngày càng tốt hơn trách nhiệm của mình.

Trước khi diễn ra mỗi kỳ họp HĐND, các tổ đại biểu đều tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri để qua đó, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề còn khúc mắc mà nhân dân quan tâm. Trước hết mỗi đại biểu phải nhận thức đầy đủ tiếp xúc cử tri không đơn thuần nghe phản ánh của cử tri, mà đại biểu còn giải thích, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của HĐND để cho cử tri hiểu và thông suốt. Muốn làm được điều này, mỗi đại biểu phải tích cực nghiên cứu, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của HĐND; thường xuyên trau dồi kỹ năng hoạt động, kỹ năng thu thập và xử lý thông tin, nghe dân nói và nói dân nghe. Có như vậy hoạt động tiếp xúc cử tri mới thực sự hiệu quả; chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của HĐND mới thực sự đi vào cuộc sống; tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân được chuyển tải đến cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Với vai trò, trọng trách mà nhân dân giao phó, đại biểu HĐND thành phố cũng như các cấp xã, phường cần tích cực hơn trong hoạt động, khắc phục khó khăn, chủ động sắp xếp thời gian để tham gia đầy đủ các hoạt động của Thường trực HĐND và các Ban của HĐND, cố gắng làm tròn trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị của địa phương. Từ đó, vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương sẽ được phát huy. 

Có thể nói, để đáp ứng được đầy đủ nguyện vọng của tất cả cử tri, nhân dân là điều không dễ dàng gì đối với  HĐND các cấp. Thực tế luôn đòi hỏi mỗi người đại biểu HĐND phải luôn có nhiều cố gắng để thể hiện, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc quyết định những vấn đề lớn, quan trọng của địa phương.

Đối với Việt Trì, nhìn lại hoạt động của HĐND thành phố thời gian qua, cử tri, nhân dân cũng thấy được sự nỗ lực, cố gắng của Thường trực HĐND TP cũng như mỗi đại biểu HĐND TP và cơ sở trước những vấn đề trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị. Nhiều nghị quyết đã được HĐND TP thông qua, có tính khả thi cao, có tác dụng tích cực trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, qua các chương trình tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp, các đại biểu đã thật sự lắng nghe, tập hợp các thông tin, những vấn đề người dân còn đang thắc mắc cần tháo gỡ. Những vấn đề có thể giải trình, đều được đại biểu trả lời trực tiếp, những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì người đại biểu HĐND có trách nhiệm trình cấp trên giải quyết. Rõ ràng, lúc này, vai trò của người đại biểu thực sự là cầu nối, chuyển tải thông tin từ người dân đến với cấp cao hơn.

Góp phần cho những kết quả trong quá trình hoạt động thời gian qua, đại biểu HĐND thành phố cũng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc dành thời gian nghiên cứu nội dung các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết nắm tình hình thực tế, những vấn đề bức xúc, nổi cộm tại địa phương để tham gia ý kiến, phản ánh tại các kỳ họp HĐND.

Rõ ràng, điều quan trọng nhất vẫn là mỗi đại biểu HĐND, khi được cử tri tín nhiệm, cần phải luôn có “cái tâm”, thật sự hiểu rõ những bức xúc, quyền và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân  thì mới có thể đầu tư công sức, trí tuệ, đi sâu, đi sát tìm hiểu ngọn ngành mọi vấn đề cũng như mạnh dạn phát biểu tại các kỳ họp HĐND. Có như vậy, người đại biểu HĐND mới thật sự nêu cao vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân, xứng đáng với sự tin tưởng, gửi gắm của cử tri./.

 

Ngọc Hà