Trong những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai các kế hoạch, hướng dẫn thực hiện việc tổ chức dạy và học hát Xoan. Ở mỗi cấp học, bậc học đều có hình thức, phương pháp riêng để học sinh có thể tiếp thu một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh việc kế thừa lối truyền dạy dân gian theo hình thức truyền khẩu, các thầy, cô giáo có kế hoạch, bài giảng phù hợp với từng khối lớp, góp phần vào việc bảo tồn, phát triển hát Xoan toàn diện, hệ thống. Một số bài hát thường đưa vào giảng dạy như: Đố Huê, Xin Huê, Đường đi trên suối dưới đầm, Bỏ bộ, Bắt cá, Mời Vua được học sinh rất thích thú bởi câu từ dễ hiểu, dễ nhớ. Ông Phạm Đức Chiển - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Việt Trì cho biết: “Từ năm học 2012-2013 đến nay Phòng GD&ĐT Việt Trì đã hướng dẫn các nhà trường đưa hát Xoan vào dạy học qua môn Nghệ thuật, môn Âm nhạc và tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp, giao lưu; đặc biệt năm học 2017-2018, Phòng đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, trong đó có hoạt động gắn với Di sản văn hóa của địa phương, do vậy 100% các trường tiểu học, THCS xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức các hoạt động cho học sinh gắn với Hát Xoan, một số trường tổ chức hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh (HS) tại các phường Xoan, tại Miếu Lãi Lèn như TH Gia Cẩm, Thọ Sơn, Kim Đức; THCS Văn Lang, Kim Đức, Phượng Lâu… Việc đưa hát Xoan vào dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường đã trở thành hoạt động thường xuyên, nền nếp, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể - hát Xoan Phú Thọ”.
Dường như đã trở nên quen thuộc, mỗi sáng thứ hai đầu tuần, các thầy, cô và học sinh Trường Tiểu học Kim Đức, thành phố Việt Trì lại cùng nhau “miệng hát, tay uốn, chân nhón”, những câu Xoan mượt mà, sâu lắng đượm tình quê hương cứ thế ngân vang dưới mái trường, trên mỗi nét môi, ánh mắt đều hiện rõ niềm vui, sự tự hào khi được thể hiện những làn điệu đặc sắc, được sống trong hơi thở của Xoan. Em Lê Anh Thư - học sinh lớp 5A chia sẻ: “Em thích học hát Xoan hơn các thể loại âm nhạc khác mặc dù có những bài rất khó học. Ngoài việc học hát ở trường em còn học từ người thân trong gia đình và các buổi học hát Xoan với mọi người trong làng”. Với điều kiện thuận lợi do nơi đây là một trong những phường Xoan gốc nên bản thân các em học sinh ít nhiều đã biết về hát Xoan, thêm vào đó là sự động viên, khích lệ tinh thần của các thầy, cô giáo trong trường khiến các em càng hứng thú, say mê. Có nhiều em được đánh giá là học sinh ưu tú, có thể thuộc gần 10 bài hát Xoan, thậm chí hát và trình diễn tốt. Hiện nay, trường có một CLB Hát Xoan được duy trì với hơn 40 học sinh tham gia, những học sinh “con nhà nòi” thuộc những gia đình nghệ nhân ở các phường Xoan gốc và các em có năng khiếu, nằm lòng nhiều câu hát Xoan còn trở thành người hướng dẫn cho các nhóm học sinh khác. Một số học sinh của trường còn được “chọn mặt gửi vàng” để tham gia liên hoan Hát Xoan và Dân ca cấp tỉnh vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Cô Hán Thị Thúy Lan - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ những ngày đầu triển khai, đến nay 100% giáo viên và học sinh trong trường đều biết Hát Xoan. Nhà trường thường tổ chức các buổi thi Hát Xoan giữa các tổ công đoàn, các lớp trong trường, ngoài ra còn kết nối với các phường Xoan để các em được giao lưu, đồng thời cũng mời các nghệ nhân, đào, kép trong phường Xoan đến dạy cho giáo viên và học sinh vì vậy đã mang lại những hiệu quả tích cực”.
Tại Trường Tiểu học Xuân Huy, xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao, hát Xoan được nhà trường chính thức đưa vào giảng dạy từ năm học 2015- 2016, mặc dù xuất phát điểm các em học sinh chưa thực sự biết và hiểu về Hát Xoan, vì thế việc truyền dạy ban đầu còn gặp nhiều khó khăn nhưng thầy và trò đã cố gắng khắc phục, đến nay 100% giáo viên và học sinh trong toàn trường đã biết Hát Xoan. Cô Nguyễn Thị Minh Thanh - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Mới đầu các em còn khá bỡ ngỡ, và chưa thích thú nhưng sau một vài buổi đã quen dần với giai điệu. Khi giảng dạy, các thầy, cô trong trường luôn tạo niềm đam mê, hứng khởi cho các em, kiên trì, truyền đạt, uốn nắn từng câu từ”. Hát Xoan đã mang sức sống của mình đến với cộng đồng, giúp cho thế hệ trẻ hiểu được giá trị văn hóa tinh thần to lớn được kết tinh trong các làn điệu dân ca quê hương. Từ đó, các em có ý thức giữ gìn, tiếp nối và phát huy những truyền thống quý báu mang bản sắc vùng Đất Tổ, với những giá trị nhân văn, đẹp đẽ thể hiện qua từng từ ngữ, từng câu hát:
Tay nâng chén muối đĩa gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau…
Đâu chỉ có ân nghĩa nhớ- quên, người đời nay và thế hệ sau này sẽ luôn lưu giữ, lan truyền hát Xoan để dẫu có trải qua những thăng trầm, bể dâu hát Xoan vẫn “sống” và vang vọng muôn đời.