Hát Xoan Phú Thọ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Cập nhật ngày: 11/12/2017 19:33
Sáng 8-12, tại Hàn Quốc, UNESCO đã chính thức đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không chỉ là niềm vui, niềm tự hào mà còn khẳng định thành quả nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa.

Ngay từ khi Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại ngày 24/11/2011, hòa chung trong niềm vui lớn là những trăn trở làm sao tìm ra hướng đi tốt nhất, nhanh nhất để đưa hát Xoan thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Kết quả chỉ trong vòng 3 tháng kể từ khi hát Xoan được vinh danh, ngày 13/2/2012, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành “Chương trình Hành động về việc Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp - Hát Xoan Phú Thọ, giai đoạn 2012-2015”; Tiếp đó, ngày 7/11/2013 Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ, giai đoạn 2013-2020” cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Căn cứ vào các nội dung cụ thể của đề án và chương trình hành động, các cấp, các ngành có liên quan bắt tay ngay vào việc, nhưng khó khăn chồng chất khó khăn. Nan giải nhất lúc đó là số lượng người có thể truyền dạy Hát Xoan còn lại rất ít (chỉ còn 7 nghệ nhân trong số các nghệ nhân trên 80 tuổi còn khả năng thực hành và truyền dạy), việc cần làm ngay là mở các lớp truyền dạy Hát Xoan tới mọi lứa tuổi, tầng lớp bằng các biện pháp: Khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng truyền dạy, đào tạo thế hệ những người thực hành di sản trẻ tuổi để sáng tạo, tiếp nối, duy trì và phát triển Hát Xoan trong cuộc sống đương đại; Xây dựng chương trình giáo dục, giảng dạy hát Xoan phù hợp với từng cấp học trong hệ thống các trường phổ thông, trường sư phạm và nghệ thuật tỉnh. Song song với việc truyền dạy, tỉnh chú trọng rà soát, tôn vinh các danh hiệu cao quý (nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú) và ban hành chính sách đãi ngộ cụ thể đối với những nghệ nhân “Báu vật nhân văn sống”, những người có công bảo vệ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản… Làm tốt hai nội dung trên, tỉnh đã tạo được cho Xoan một sức sống mới, một sức lan tỏa mạnh mẽ. Từ chỗ không gian Hát Xoan chỉ bó hẹp trong các cửa đình, vào các dịp lễ hội thì nay tỉnh đã có những giải pháp cụ thể như: Tổ chức phục dựng tục hát Xoan nước nghĩa giữa các làng Xoan và các địa phương, đưa Hát Xoan gắn với du lịch, tham gia vào các hội diễn, các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ trong tỉnh, tại các tỉnh bạn và ở nước ngoài… nhằm tập trung tuyên truyền giới thiệu, phổ biến, quảng bá nâng cao nhận thức, năng lực, trách nhiệm của cộng đồng, tạo điều kiện để cộng đồng được giao lưu, trình diễn, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với các cộng đồng di sản văn hóa phi vật thể trong nước và quốc tế. 

Việc tu bổ, tôn tạo lại các di tích liên quan đến hát Xoan, tạo không gian riêng cho hát Xoan cũng được quan tâm; đồng thời tăng cường các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước đi đôi với các nguồn lực xã hội hóa để bảo vệ, phát huy giá trị di sản… Mặc dù khó khăn về kinh phí, nhưng năm 2016- 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tiếp tục hỗ trợ cho 4 phường Xoan, mỗi phường 30 triệu đồng/năm; thành phố Việt Trì hỗ trợ mỗi phường Xoan 25 triệu đồng/năm. Bên cạnh các phường Xoan, ở Phú Thọ còn có nhiều nhóm những người yêu thích Hát Xoan tự thành lập các câu lạc bộ.

Toàn tỉnh  hiện có 34 Câu lạc bộ cấp tỉnh với 1.557 thành viên tham gia (tăng 270 thành viên so với kỳ kiểm kê tháng 3-2016). Các Câu lạc bộ Hát Xoan và dân ca trên địa bàn tỉnh, truyền dạy một số bài bản Hát Xoan ở 3 chặng Hát Xoan cổ, đối tượng tham gia là đại diện ban chủ nhiệm, hạt nhân tiêu biểu của Câu lạc bộ. Tháng 10-2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai tập huấn bồi dưỡng kỹ năng trình diễn Hát Xoan cho 87 thành viên là hạt nhân các Câu lạc bộ Hát Xoan và dân ca trên địa bàn tỉnh.

Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, thành phố Việt Trì tổ chức Liên hoan Hát Xoan cho đối tượng là thanh, thiếu nhi Việt Trì  với sự tham gia của 120 diễn viên của 6 đơn vị trường học trên địa bàn thành phố. Các Câu lạc bộ Hát Xoan của thành phố Việt Trì đã tích cực tham gia nhiều hoạt động biểu diễn giao lưu để đưa di sản đến gần với đời sống cộng đồng như đã tổ chức 72 chương trình Hát Xoan và văn nghệ quần chúng định kỳ tại vườn hoa Công viên Văn Lang thu hút trên 3.000 lượt nhân dân và du khách tham dự. Các phường Xoan và các câu lạc bộ Hát Xoan trên địa bàn thành phố tham gia biểu diễn, phục vụ 14 đoàn/280 lượt người nước ngoài đến tham quan du lịch; 50 đoàn/150 đoàn khách các tỉnh xem biểu diễn Hát Xoan tại miếu Lãi Lèn và đình Hùng Lô trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương..., tham gia trình diễn Hát Xoan tại lễ khai mạc triển lãm ảnh “Đất nước con người ASEAN” năm 2017, quảng bá Hát Xoan tại Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Ủy ban UNESCO Việt Nam, tham gia chương trình “Hát Xoan làng cổ” gắn với điểm du lịch di sản văn hóa phục vụ nhân dân và du khách trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng... Công tác giáo dục, quảng bá hát Xoan đã tổ chức nhiều hoạt động tích cực để đưa di sản đến gần với đời sống cộng đồng. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch cho biết: “Tôi rất vui, phấn khởi và tự hào khi góp sức mình câu ca từ thời Hùng Vương truyền dạy để giới thiệu, quảng bá với bạn bè  trong và ngoài nước”. Ông Nguyễn Ngọc Ân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục quảng bá, giới thiệu Hát Xoan đến đông đảo nhân dân trong, ngoài nước và bạn bè quốc tế. Đẩy mạnh công tác truyền dạy và thực hành Hát Xoan cho các đối tượng là hạt nhân văn nghệ của các câu lạc bộ Hát Xoan và Dân ca trên địa bàn tỉnh đồng thời phục hồi các tập tục liên quan tới Hát Xoan…”.

Hát Xoan xưa vốn chỉ vang vọng nơi những sân đình cổ kính,  ngày nay, Hát Xoan đã và đang vang vọng khắp nơi trên vùng Đất Tổ. Không gian vùng Xoan được đầu tư mở rộng, ý thức về bảo tồn và phát huy giá trị Hát Xoan trong cộng đồng được nâng cao. Di sản Hát Xoan qua ngàn đời vẫn đầy sức sống trong đời sống đương đại, khẳng định nỗ lực cố gắng của các nghệ nhân, cộng đồng và của tỉnh trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hát Xoan Phú Thọ.

 

 

PTO