Đền Thượng ở làng Thụy Vân
Cập nhật ngày: 02/11/2017 15:26
Xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì là nơi có bề dày lịch sử với nhiều đền, chùa, tiêu biểu là đền Thượng – di tích từ thời Hùng Vương. Đền Thượng được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ 19, trên đồi Bọ Nghè, thuộc làng Cẩm Đội. Đền thờ 3 vị tướng là Quý Minh, Bạch Thạch thời Hùng Vương thứ 18 và Đông Hải Đại Vương thời nhà Lý.

Truyền thuyết kể rằng, Quý Minh và Cao Sơn là hai anh em sinh đôi có diện
mạo và sức vóc khác thường, khôi ngô tuấn tú lại văn võ song toàn. Năm hai ông 18
tuổi thì cha mẹ mất, sau 3 năm mãn tang hai ông về đất Sơn Tây ở, Tản Viên Sơn
Thánh nghe tin liền cho mời Quý Minh đến rồi kết bạn.
Thời Vua Hùng thứ 18, quân Thục Phán nổi lên, nhà vua cử Tản Viên Sơn thống lĩnh
quân sỹ để chống giặc. Ngày nhận lệnh, Tản Viên Sơn tiến cử Cao Sơn và Quý Minh
cùng ra trận để bảo vệ bờ cõi. Quý Minh được phong chức hữu tướng quân, cầm
 quân về làng Cẩm Đội. Các tướng sĩ thưa với ngài rằng ở Cẩm Đội có ngôi đền rất
thiêng, trước khi ngài cất quân hãy đến cầu mộng tại đền xem lành dữ ra sao. Nghe
lời tướng sĩ, đêm hôm đó ngài đến cầu mộng tại đền, ngài thấy một tiên nữ mặc áo
trắng hiện lên bảo rằng : “Ngài cứ hành quân về phía Tây Nam, sang mạn sông Đà
gặp giặc sẽ có người giúp”. Do quân của ngài ít nên đã bị bao vây, lúc đó chợt nghĩ
đến mộng đêm qua, ngài ngẩng mặt lên trời thấy một tiên nữ đứng trên đám mây chỉ
bảo, ngài liền cho quân đánh mở đường rồi phản công liên hồi khiến quân địch đại
bại.
Về sau, để ghi nhớ công ơn của ngài, dân làng lấy ngày mồng 3 tháng giêng
âm lịch – ngày ngài mất làm ngày thánh hóa và lập đền thờ phụng.
Thời gian Quý Minh ở Cẩm Đội, người bạn của ông là Đức Bạch Thạch và Tản Viên
Sơn Thánh qua chơi, ngài làm gỏi cá thiết đãi 2 người bạn vào ngày mùng 1 tháng 4
âm lịch. Về sau để tưởng nhớ các ngài, dân làng Cẩm Đội làm lễ cầu mát thường
cúng mâm cá gỏi gọi là “Gỏi trảng sàng”. Ngày hôm đó cắm lá cờ đầu gò Chảy, chỉ
khi nào thấy cờ bay chỉ về phía đình mới cúng gọi là “Cầu hèm”. Chỗ cắm cờ hiện
nay gọi là cầu Bái Sứ.
Đến thời nhà Lý, khi Trần Thủ Độ chuyên quyền âm mưu cướp ngôi, lúc đó ở
Hồng Châu, Hải Hưng có vị tên là Đông Hải không theo hàng, ông cùng một số
tướng sĩ chỉ huy cầm quân chiến đấu. Từ Kinh đô Thăng Long, ông tiến về Đất Tổ
Hùng Vương và đóng quân tại Cẩm Đội. Nghe chuyện làng có đền thiêng, ông cũng

làm lễ cầu mộng và được Tiên nữ hiện lên bảo rằng: “Mai sẽ hành quân về xuôi, ta sẽ
phù hộ và bảo toàn lực lượng cho”. Đúng lời, ông cho quân về xuôi đánh với quân
của Trần Thủ Độ và cầm cự hàng chục năm trời. Mặc dù đến khi triều đại suy tàn,
ông không thể cứu vãn được, song với lòng trung dũng vô biên, sau khi ông qua đời
dân làng đã lập bài vị cùng tạc tượng ông và Quý Minh để phụng thờ.
Ông Tạ Phú Đề - Trưởng ban di tích đền Thượng cho biết: “Những năm trước
Cách mạng tháng Tám năm 1945, hàng năm, nhân dân thường tổ chức tiệc làng ở đền
Thượng vào ngày 3 tháng giêng, là ngày cầu đinh có rước kiệu làng và ngày 3 tháng
3 âm lịch là tiệc gà lượt. Người dân ở khắp nơi đều đổ về để tỏ lòng kính mến với các
bậc tiền nhân đã có công bảo vệ đất nước.”
Đền Thượng được xây dựng theo hướng Tây Nam, theo kiến trúc kiểu chữ nhất (-)
gồm 5 gian thờ dọc, có kết cấu 4 hàng chân cột gỗ với tổng số là 24 cột. Nền lát gạch
bát, mái lợp ngói sông Cầu. Bộ vì kết cấu theo kiểu “chồng rường, kẻ chuyền, hạ
bẩy”. Bộ vì trước cửa hậu cung được làm theo kiểu cốn mê đục chạm hình lưỡng
long chầu nguyệt và mặt hổ phù. Dưới câu đầu treo bức đại tự “Tối linh từ”. Toàn bộ
các chi tiết kiến trúc ở trước cửa hậu cung đều được sơn son làm nổi bật vẻ uy nghi
của ngôi đền.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi đền cũng đã bị xuống cấp và được
người dân trùng tu và sửa chữa nhiều lần. Trong đền vẫn còn lưu giữ được 5 đạo sắc
phong thời Nguyễn. Năm 1964, đền Thượng được công nhận là di tích lịch sử văn
hóa cấp tỉnh.
Ngày nay, cùng với việc lưu giữ, bảo tồn các hiện vật trong ngôi đền, chính
quyền địa phương đã tích cực huy động nguồn vốn xã hội hóa để tiếp tục tu bổ và tôn
tạo đền Thượng, phát huy ý nghĩa tinh thần to lớn không chỉ với người dân làng Cẩm
Đội nói riêng, mà của của xã Thụy Vân nói chung, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ
nguồn” của dân tộc.

Nguồn PTĐT