Quyết tâm xóa bỏ sản xuất gạch xây đất sét nung
Cập nhật ngày: 02/11/2017 10:40
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Phú Thọ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung; xóa bỏ hoạt động sản xuất, hạn chế sử dụng gạch xây đất sét nung, Hiện nay, TP Việt Trì đang triển khai quyết liệt các giải pháp để hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2017 xóa bỏ các lò gạch đất sét nung công nghệ lò đứng liên tục.

Nhiều năm nay, hơn 100 hộ ở khu 5, xã Sông Lô phải sống trong môi trường khói bụi do các cột khói thường xuyên phả ra nghi ngút từ mạng lưới lò gạch trên địa bàn khiến cây cối, hoa màu đều bị khô héo, gây thiệt hại đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt, không khí bị ô nhiễm còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người dân quanh khu vực . Là người dân sinh sống trong khu có 3 lò gạch vẫn đang ngày đêm nhả khói đen nghi ngút, ông Đặng Ngọc Quang- Khu 5, xã Sông Lô chia sẻ: “Nhiều năm nay, cây cối, hoa màu nhà tôi không trồng nổi cây gì, lá cháy xém hết, không cho hiệu quả. Đấy là chưa kể khói bụi, mùi bốc lên nồng nặc, ảnh hưởng đến sức khỏe. Cháu nhỏ nhà tôi cũng như hầu hết trẻ con trong khu đều bị ảnh hưởng đến đường hô hấp”.

Toàn thành phố hiện còn 15 lò sản xuất gạch xây đất sét nung đang hoạt động gồm: xã Sông Lô 6 lò, xã Trưng Vương 5 lò, phường Bến Gót 3 lò và phường Dữu Lâu 1 lò. Hoạt động của các lò gạch thủ công không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm thu hẹp một phần diện tích canh tác nông nghiệp. Việc xóa bỏ các lò gạch công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm và chuyển đổi sang công nghệ sản xuất vật liệu công nghệ tiên tiến là phù hợp với xu thế phát triển, thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ trong việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung xây dựng các công trình. Là địa bàn hiện còn nhiều nhất các lò gạch vẫn đang hoạt động  nhất của thành phố, việc thực hiện xóa bỏ lò gạch thủ công ở xã Sông Lô để đảm bảo lộ trình của thành phố cũng gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Văn Tảo- Chủ tịch UBND xã Sông Lô cho biết: Các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường là điều không thể phủ nhận. Sau khi nhận được kế hoạch của thành phố, xã đã thành lập đoàn công tác để tuyên truyền đến các khu dân cư, cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò thủ công. Đồng thời vận động, yêu cầu các chủ lò thực hiện cam kết chấm dứt hoạt động và tự giác chấp hành phá dỡ theo quy định và đảm bảo kế hoạch. Xã cũng định hướng cho người lao động tìm việc làm phù hợp để sớm ổn định cuộc sống”.

Các lò gạch đất sét nung theo công nghệ lò đứng liên thường được xây dựng trên đất canh tác. Nguồn nguyên liệu dùng cho các lò loại này là đất sét lấy tại chỗ, sản xuất trên dây chuyền đơn giản, lạc hậu, sử dụng công nghệ nung đốt thủ công, tiêu tốn nhiều nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm năng suất cây trồng và làm mất đất canh tác. Theo kế hoạch của UBND thành phố, tất cả các lò gạch trên địa bàn sẽ chấm dứt sản xuất gạch mộc trước ngày 31/10/2017; hoàn thành việc giải quyết nguyên liệu tồn đọng, chấm dứt hoàn toàn hoạt động sản xuất gạch trước ngày 30/11 và tháo dỡ máy móc, dọn dẹp và hoàn trả mặt bằng trước ngày 31/12/2017. Đến thời điểm này, cơ bản các chủ lò gạch không nhập thêm nguyên liệu đầu vào mới và chỉ tiếp tục sản xuất hết số nguyên vật liệu còn tồn đọng.

Vai trò trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm mà các lò gạch mang lại ở từng thời điểm nhất định, song trong quá trình hoạt động đã bộc lộ những hạn chế, do vậy chủ trương việc xóa bỏ là phù hợp với yêu cầu thực tế hiện nay. Chủ trương này đã có được sự đồng thuận ở nhiều địa phương, một số chủ lò gạch đã thực hiện quy định dừng đốt. UBND TP đã chỉ đạo các xã phường lò gạch đang hoạt động tổ chức họp và yêu cầu các chủ lò gạch thực hiện ký cam kết theo đúng tiến độ. Ông Nguyễn Chí Hải- Phó trưởng phòng Quản lý đô thị TP Việt Trì khẳng định: “Phòng đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc thực hiện chấm dứt hoạt động các lò gạch tại các phường xã theo kế hoạch. Đồng thời đôn đốc UBND các phường xã tăng cường tuyên truyền, vận động các chủ lò gạch chấm dứt hoạt động, phối hợp với các đơn vị liên quan định hướng chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp; kiên quyết buộc các chủ cơ sở chấm dứt hoạt động theo kế hoạch. Đối với những trường hợp cố tình không thực hiện thì không ký hợp đồng, không gia hạn hợp đồng giao đât, cho thuê đất. Và Phòng cũng đề xuất thành phố để đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá bình xét, xếp loại đảng bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh đối với các phường, xã”. Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng đã có văn bản gửi Tổng cục 8- Bộ Công an về việc chấm dứt liên kết lao động, dạy nghề, học nghề cho các trại viên tại các lò gạch trên địa bàn thành phố; đồng thời tăng cường chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động khai thác, mua bán đất sét làm nguyên liệu, có biện pháp ngăn chặn các phương tiện vận chuyển, cung cấp nguyên vật liệu cho các lò gạch. Thành phố cũng chủ trương tạo mọi điều kiện thuận lợi và xem xét cơ chế hỗ trợ các chủ lò gạch chuyển đổi sang mô hình sản xuất mới theo quy định và phù hợp với định hướng phát triển của thành phố.

Để thực hiện có hiệu quả, xóa bỏ 100% các lò gạch đất sét nung công nghệ lò đứng liên tục trên địa bàn thành phố vào cuối năm 2017 thì cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành nghiêm các quy định, thành phố đang cần hơn nữa sự quyết liệt của các các ban, ngành, đoàn thể để đảm bảo chủ trương và góp phần vào sự phát triển bền vững của một Thành phố xanh- sạch- đẹp./.

Thanh Huyền- Tiến Dũng