Tham gia công tác Hội từ năm 2007, từ hội viên đến tổ trưởng tổ phụ nữ, năm 2015, chị Trần Thị Minh Thành (khu 2B, phường Nông Trang, thành phố Việt Trì) đã được nhân dân tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng Hội phụ nữ khu 2B. Gần 10 năm gắn bó với công tác xã hội, chị Thành cùng với những cán bộ phụ nữ khác đã đưa khu phố 2B trở thành một trong những khu dân cư có hoạt động, phong trào phụ nữ mạnh trong phường. Chị Thành cho biết: Chi hội phụ nữ khu 2B hiện có hơn 154 hội viên, các chị em phụ nữ trong khu chủ yếu làm nông nghiệp. Tuy nhiên, những năm gần đây, để thực hiện các dự án phát triển đô thị, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, chị em phải chuyển đổi nghề rất nhiều, thu nhập không ổn định. Điều kiện kinh tế khó khăn cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt của chi hội. Trước tình hình đó, khi có kế hoạch phối hợp giữa Hội LHPN thành phố với Quỹ TYM chi nhánh Việt Trì, dưới sự phát động, hỗ trợ của Hội LHPN phường, chị Thành đã cùng với các chị em cán bộ, hội viên nòng cốt tiến hành rà soát, lập danh sách các gia đình hội viên nghèo, hội viên có hoàn cảnh khó khăn và hội viên có nhu cầu vay vốn nhằm giúp cho cán bộ, hội viên được tiếp cận với nguồn vốn, có nguồn kinh phí để phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, trong chi hội đã có 60 chị em đăng ký tham gia là thành viên của Quỹ TYM Việt Trì, với số tiền dư nợ hơn 420 triệu đồng, số tiết kiệm hơn 131 triệu đồng. Từ những hiệu quả của việc tham gia Quỹ TYM mang lại, và bằng kinh nghiệm vận động trao dồi được, những chương trình tiếp theo do các cấp Hội phụ nữ phát động khi đưa về Chi hội nhanh chóng được chị em nhiệt tình hưởng ứng. Ngoài Quỹ TYM, Chi hội hiện đang duy trì nhóm “tiết kiệm chi hội” với số quỹ gần 84 triệu đồng, quỹ “tiết kiệm giúp nhau” với 39 thành viên cùng số tiền hơn 370 triệu đồng, nhóm “tiết kiệm phế liệu” với số tiền hơn 12 triệu đồng. Từ những nguồn vốn trên, đời sống kinh tế của hội viên phụ nữ trong chi hội được nâng lên, cùng với đó là phong trào phụ nữ ở khu phố 2B cũng phát triển cả về số lượng và chất lượng, thu hút ngày càng nhiều chị em tham gia tổ chức Hội. Nói về công việc của mình, chị Trần Thị Minh Thành cho biết: “Trước khi đến với công tác phụ nữ, mình đã có khoảng thời gian gắn bó với hoạt động Công đoàn tại Công ty May Vĩnh Phú nên cũng có chút kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động. Với mình, làm việc gì thì cũng phải xuất phát từ thực tế. Bất cứ hoạt động, chương trình nào muốn triển khai ra toàn chi hội trước hết phải được thực hiện thí điểm tại một tổ Hội. Chị em nhìn thấy hiệu quả mới có thể nghe và làm theo”. Không chỉ là những chi hội trưởng chi hội phụ nữ giỏi trong tổ chức thực hiện các hoạt động, cuộc vận động do cấp trên phát động, nhiều chị em còn là những hạt nhân văn nghệ, là lực lượng nòng cốt đưa phong trào văn hóa, văn nghệ ở các khu dân cư phát triển. Có dịp gặp gỡ, trao đổi với chị Trương Thị Kim Dung – chi hội trưởng chi hội phụ nữ khu 6, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì – một cán bộ phụ nữ gắn bó với công tác phụ nữ gần 25 năm. Chị Trương Thị Kim Dung không chỉ được đánh giá là chi hội trưởng năng nổ, nhiệt tình, mà còn là cán bộ phụ nữ tâm huyết trong các hoạt động gìn giữ, truyền bá Hát Xoan trong cộng đồng dân cư, góp phần đưa di sản Hát Xoan ra khỏi tình trạng cần phải bảo vệ khẩn cấp. Thực hiện sự chỉ đạo của các cấp Hội LHPN, năm 2014, chị Dung cùng với các chị em khác trong chi hội đã vận động, thành lập CLB Hát Xoan khu 6, xã Trưng Vương. Lúc mới thành lập, CLB chỉ có 20 thành viên, trong đó có 4 nam, đến nay, CLB đã có 25 thành viên, trong đó có 6 nam, 19 nữ. CLB không chỉ là nơi để các chị em giao lưu, trao đổi, tìm hiểu về Xoan, mà những thành viên trong CLB còn thường xuyên tham gia trình diễn Xoan phục vụ bà con trong và ngoài xã mỗi dịp lễ, tết. Trong gần 1 năm trở lại đây, những thành viên trong CLB còn tổ chức truyền dạy Xoan cho các cháu thanh, thiếu nhi trong khu dân cư. Chị Dung cho biết: “Lúc đầu thành lập, công tác vận động thành viên tham gia CLB gặp rất nhiều khó khăn, cơ bản các chị em còn chưa hiểu về ý nghĩa của Hát Xoan, cảm thấy Xoan không hay. Để thuyết phục các anh, chị, em tham gia, Tôi đã tuyên truyền, vận động các đồng chí trưởng ban, ngành, đoàn thể trong khu tham gia đầu tiên, từ đó tạo sức lan tỏa đến toàn thể nhân dân”. Thành phố Việt Trì hiện có hơn 220 chi hội trưởng chi hội phụ nữ, và không phải ai cũng như ai, họ cũng có những khó khăn riêng trong cuộc sống hàng ngày. Chia sẻ với chúng tôi, những chi Hội trưởng hội phụ nữ cho biết: Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trước hết bản thân mình phải đi đầu, làm gương, sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của tập thể. Bên cạnh đó, phải đi sâu, đi sát, hiểu và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em; đặc biệt là còn cần sự động viên, hỗ trợ tích cực từ phía những thành viên trong gia đình. Chị Nguyễn Thị Tuyên – Chủ tịch Hội LHPN xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì cho biết: “Mức phụ cấp cho một chi hội trưởng chi hội phụ nữ là 140.000 đồng/tháng, với mức phụ cấp ít ỏi này, phải rất tâm huyết, các chị em mới có thể gắn bó với công tác này. Cũng phải khẳng định rằng những chi hội trưởng phụ nữ tại các khu dân cư có vai trò rất quan trọng, họ không chỉ là người đứng ra tuyên truyền, vận động, tập hợp các hội viên khi tổ chức các hoạt động, chương trình, mà họ còn là “cầu nối” giúp chuyển tải tâm tư, tình cảm của chị em phụ nữ đến với tổ chức Hội, từ đó giúp các phong trào phụ nữ thiết thực hơn, hiệu quả hơn”. Với quan niệm “Mình còn trẻ, còn đóng góp được thì sẽ tiếp tục cống hiến sức mình, không chỉ giúp nâng cao vị thế của người phụ nữ trong xã hội, mà còn góp phần giúp cho khu dân cư, địa phương ngày càng phát triển”. Tin tưởng rằng, với quan niệm trên, thời gian tới, các cán bộ, hội viên phụ nữ sẽ tiếp tục có nhiều việc làm thiết thực hơn, đưa phong trào phụ nữ ngày càng phát triển, xứng đáng với danh hiệu “Phụ nữ Việt Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà”.