Tiếp nối tâm thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh với giới công thương Việt Nam
Cập nhật ngày: 12/10/2017 16:24
Hơn một tháng sau ngày Quốc khánh 2/9/1945 khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời, nhận thấy vai trò của giới công thương trong công cuộc kiến thiết đất nước, ngày 13/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi cho giới công thương Việt Nam. Trong bức thư này, Bác Hồ đã viết: “ ...Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng. Vậy, tôi mong giới công thương nỗ lực khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập công thương cứu quốc đoàn, cùng đem vốn vào làm công cuộc ích quốc lợi dân".

Thực hiện tâm thư của Bác và tiếp tục phát huy vai trò, truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, động viên các tầng lớp nhân dân trong xã hội góp phần xây dựng và phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 20/9/2004 Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13 tháng 10 hằng năm  là “Ngày doanh nhân Việt Nam”. Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 13/10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc bởi đó chính là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương Việt Nam (13/10/1945).

 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định việc tổ chức ngày Doanh nhân Việt Nam hàng năm phải thiết thực, tiết kiệm, có hiệu quả, tập trung giáo dục truyền thống yêu nước, tự cường, chủ động sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, động viên phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, nâng cao kỷ luật, đạo đức, văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân; Biểu dương khen thưởng các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh giỏi, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp.

Ngày 09 tháng 12 năm 2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết nêu rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam: Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế; không ngừng phát triển để đến năm 2020 có một số doanh nhân, doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông - Nam Á. Vì vậy, xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân.

Đến nay, sau 13 năm Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định lấy ngày 13/10 là “Ngày Doanh nhân Việt Nam” và hơn 05 năm Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh với hơn 612.000 doanh nghiệp đã phát huy vai trò, vị thế trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo chủ trương đổi mới, cơ cấu lại với số lượng doanh nghiệp giảm từ khoảng 6.000 doanh nghiệp năm 2001, đến nay còn khoảng hơn 700 doanh nghiệp đã phát huy vai trò quan trọng trong lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như: Viễn thông, năng lượng, khai khoáng, tài chính..., đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 22%; đồng thời có vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội mà các thành phần kinh tế khác chưa làm được hoặc không muốn đầu tư như: hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng phục vụ quốc phòng an ninh, thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Kinh tế tư nhân mà nòng cốt là doanh nghiệp tư nhân từng bước khẳng định vị trí, vai trò trong phát triển kinh tế xã hội. Số lượng doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh trên nhiều phương diện, hoạt động đa dạng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và các vùng miền; tỷ trọng đóng góp GDP luôn lớn nhất và ổn định ở mức khoảng 39% - 40%, tạo việc làm cho trên 85% lao động đang làm việc của nền kinh tế. Đội ngũ doanh nhân dần ý thức vai trò của mình trong thực hiện an sinh xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, xây dựng các mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp theo hướng hài hòa, văn minh và phát triển, hoàn thành tốt nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, đề cao trách nhiệm xã hội và đạo đức văn hóa trong kinh doanh, bảo vệ môi trường...

Như vậy, thực tế đã chứng minh ý nghĩa lịch sử của bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương vào ngày 13/10/1945 vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện đường lối đúng đắn và chỉ dẫn mang tính chiến lược của Người đối với việc khẳng định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong xây dựng và kiến thiết đất nước, đặc biệt trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Để tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hội nghị Trung ương 5, khóa 12 của Đảng đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, Nghị quyết số 10 - NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ. Đây được xem là quan điểm rất tích cực trong đổi mới về tư duy phát triển kinh tế tư nhân nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng mọi cơ hội, các nguồn lực, nhất là nguồn lực về vốn và đất đai, tài nguyên. Cùng với đó quyết tâm xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả số lượng và chất lượng, có trình độ quản lý, kinh doanh giỏi, có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội cao. Hàng năm, vào ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Thủ tướng Chính phủ tổ chức biểu dương, tôn vinh đối với các doanh nghiệp thể hiện sự trân trọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những đóng góp to lớn của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước.

Cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đối với quá triển phát triển kinh tế - xã trên địa bàn thành phố nói riêng, đối với tỉnh và cả nước nói chung, Đảng bộ Thành phố Việt Trì đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền về những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nghị quyết, chương trình hành động của Thành ủy về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân; hàng năm gặp mặt, biểu dương những doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt chính sách thuế, tích cực tham gia các hoạt động phát triển chung của thành phố.

Năm 2017, toàn thành phố có 3.100 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh ở các ngành, lĩnh vực đa dạng, phong phú. Hầu hết các doanh nghiệp  thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước như thực hiện nghĩa vụ thuế, đảm bảo các nguyên tắc tài chính trong doanh nghiệp; đồng hành với thành phố trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Năm 2016 có 150 doanh nghiệp nộp thuế cao từ 150 triệu đồng trở lên, chăm lo tốt đời sống người lao động, chú trọng bảo vệ môi trường, tích cực tham gia các hoạt động thực hiện an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện… Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm thiết thực tới việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn với xây dựng đô thị văn minh, văn hóa và hình ảnh, phong cách công dân thành phố Việt Trì: Thân thiện, thanh lịch, mến khách, giầu tính nhân văn, mang đậm tình người Đất Tổ.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2017, thành phố Việt Trì đã tổ chức gặp mặt biểu dương, tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu; trao đổi, tọa đàm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; định hướng các doanh nghiệp đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mà thành phố đang tập trung phát triển như: nông nghiệp sinh thái, hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch, phát triển các loại hình dịch vụ du lịch… Thành phố tiếp tục quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2020 đạt 5.000 doanh nghiệp theo Chương trình hành động của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 10 - NQ/TW; khẳng định vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong góp phần xây dựng và phát triển Thành phố Việt Trì xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Phú Thọ.  

Nguyễn Thúy Hà(Ban Tuyên giáo Thành ủy Việt Trì)