Lo đầu ra ngay từ đầu vào !
Cập nhật ngày: 03/10/2017 14:16

Thực tế tuyển sinh đại học, cao đẳng những năm qua cho thấy, điểm tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm thấp, số thí sinh đăng ký vào các trường sư phạm cũng ngày càng giảm. Trước tình trạng đó, Trường Đại học Hùng Vương đã có những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành sư phạm.

Từ năm 2004, Trường Đại học Hùng Vương bắt đầu đào tạo đại học sư phạm (ĐHSP) các ngành, trong đó: Đại học 13/20 ngành; thạc sỹ 2/6 ngành; cao đẳng 2 ngành (sư phạm tiểu học và mầm non) và trung cấp mầm non. Trường đã thu hút được sinh viên học ngành sư phạm (đại học, trung cấp) đến từ các tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu và Hà Tây (cũ); tỷ trọng các tỉnh chiếm từ 18 - 20%,  Phú Thọ chiếm 75 - 80%. Trong giai đoạn 2011 - 2016, tỷ trọng sinh viên các ngành đào tạo sư phạm của  trường giữ ổn định 600 - 700 sinh viên/năm.

Tuy nhiên, năm 2017 trường đã điều chỉnh giảm khoảng 40% chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm, tuyển mới 350 chỉ tiêu. 5/13 ngành sư phạm vẫn duy trì mức độ tuyển sinh tốt là: Giáo dục tiểu học, giáo dục mầm non, sư phạm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Các ngành còn lại khó tuyển sinh (thậm chí một vài năm trở lại một số ngành không tuyển được hoặc tuyển với số lượng thấp) như: Giáo dục thể chất, Lý, Hóa, Sinh... Theo đánh giá kết quả hàng năm, chất lượng đào tạo ngành sư phạm của trường giữ ổn định; số sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay trên 80%.

Song, thực tế công tác đào tạo ngành sư phạm của Trường Đại học Hùng Vương còn nhiều thách thức, bởi là trường đại học của địa phương với cơ chế tuyển sinh mới; sự cạnh tranh giữa các trường ngày càng gay gắt, việc tuyển sinh ngày càng khó khăn, nhất là thu hút số lượng sinh viên được tuyển sinh có điểm đầu vào cao, trong khi cơ chế việc làm đối với sinh viên ngành sư phạm phụ thuộc nhiều chính sách các tỉnh. Cùng với đó là chất lượng đào tạo không đồng đều giữa sinh viên của các vùng miền và các hệ đào tạo, như sinh viên vùng dân tộc thiểu số, sinh viên các hệ đào tạo trung cấp sư phạm, đào tạo theo địa chỉ có điểm đầu vào thấp. Nội dung, chương trình đào tạo còn chậm đổi mới. Một bộ phận sinh viên sư phạm thiếu lòng nhiệt huyết, chưa yên tâm với ngành nghề đã lựa chọn; kiểm tra, đánh giá đối với hoạt động đào tạo có lúc chưa kịp thời, ảnh hưởng chất lượng đào tạo…

Tiến sĩ Trịnh Thế Truyền - Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: Để sư phạm trở lại là một trong những ngành học hấp dẫn, từ đó tăng chất lượng đầu vào, ngành giáo dục cần đưa ra giải pháp quy hoạch các trường sư phạm, sắp xếp hợp lý các cơ sở giáo dục có đào tạo chuyên ngành sư phạm, tránh hiện tượng đào tạo ồ ạt; có những khảo sát, đánh giá chính xác nhu cầu sử dụng giáo viên trong tương lai để giao chỉ tiêu phù hợp, cụ thể cho các trường sư phạm. Bên cạnh những giải pháp như lương và các chế độ đãi ngộ, việc làm, nhà trường cũng có những biện pháp mạnh về đổi mới quy trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm (NVSP). Qua thực tiễn đào tạo, nhận thấy nội dung chương trình vẫn còn khá nhiều bất cập nên nhà trường đã thực hiện đổi mới nội dung chương trình đào tạo NVSP, trong đó giảm bớt lý thuyết, tăng cường thực hành theo hướng ứng dụng gắn kết với thực tiễn.

Với xu thế hiện nay, Trường Đại học Hùng Vương cũng đang dự tính giải pháp “đặt hàng đào tạo” theo nhu cầu cụ thể về đào tạo giáo viên ở từng bậc học với các địa phương, giúp các địa phương chủ động bố trí lao động. Có như vậy, sinh viên sư phạm tốt nghiệp mới có cơ hội việc làm, đồng nghĩa với đó là lượng thí sinh dự thi theo học ngành này mới đảm bảo chất lượng cao.

Đào tạo sư phạm là đào tạo nghề đặc biệt - nghề dạy học. Năng lực sư phạm của mỗi sinh viên có được chính từ kết quả của sự rèn luyện NVSP mà nên. Với những biện pháp trên, hy vọng Trường Đại học Hùng Vương sẽ góp phần tạo nên những thay đổi cơ bản trong chất lượng đào tạo sư phạm giai đoạn tới.

PTO