Việt Trì: Xây dựng trường chuẩn quốc gia tại các xã khó khăn
Cập nhật ngày: 09/10/2017 09:48
Khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên, những năm qua, các trường học thuộc các xã khó khăn của thành phố Việt Trì đã không ngừng nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, phấn đấu xây dựng và duy trì thành công trường học đạt chuẩn quốc gia.

Được thành lập từ năm 2000, trường mầm non Hùng Lô đã phải trải qua gần 10 năm hoạt động trong điều kiện khó khăn. Cho đến năm 2010, thực hiện chủ trương xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, bằng nguồn hỗ trợ của thành phố, UBND xã và Hội cha mẹ học sinh, nhà trường đã được đầu tư trên 10 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ các hoạt động học tập, vui chơi. Đến nay, từ 1 dãy nhà, 5 lớp học với 5 giáo viên, 198 học sinh, Trường đã có 3 dãy nhà, 11 lớp học với 35 giáo viên cùng 358 học sinh theo học. Tháng 12 năm 2016, trường được UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Bà Nguyễn Thị Ngân Hạnh – Hiệu trưởng trường mầm non Hùng Lô cho biết: “Sau khi trường được công nhận là trường chuẩn quốc gia, trong quá trình dạy và học tại nhà trường đã gặp rất nhiều thuận lợi, đặc biệt là về cơ sở vật chất, nhà trường đã đủ số phòng học cho các bé theo học, diện tích các phòng học đảm bảo theo quy định, tối thiểu mỗi cháu sử dụng 1,5m2, điều này giúp cho quá trình chăm sóc trẻ của nhà trường được tốt hơn, từ đó giúp các cháu cuối năm học đạt được nhiều tiêu chuẩn cần đạt ở từng độ tuổi”.

Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia đã khó, duy trì các tiêu chí chuẩn cũng không hề đơn giản. Đóng chân trên địa bàn còn nhiều khó khăn, trường Tiểu học Phượng Lâu được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2005, được công nhận lại vào năm 2012 và được UBND tỉnh kiểm tra, công nhận lại lần 2 vào đầu năm học 2017 – 2018. Bà Nguyễn Thị Thu Hương – Hiệu trưởng trường tiểu học Phượng Lâu chia sẻ: “Những năm qua, Nhà trường luôn làm tốt công tác tham mưu với Đảng ủy, chính quyền địa phương về chủ trương xây dựng trường chuẩn quốc gia, phối hợp với các cấp ủy Đảng, các tổ chức đoàn thể xã hội trên địa bàn tuyên truyền tới mọi người dân về nội dung của Thông tư 59/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và đào tạo về Quy định tiêu chuẩn đánh giá, công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu, đạt chuẩn quốc gia; từ đó giúp người dân xác định được ý nghĩa, mục tiêu, mục đích của công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, đồng thời xác định được trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mình trong công tác này. Ngoài ra, Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức cho các thầy cô giáo trong trường nghiên cứu về Thông tư, yêu cầu giáo viên xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch hoạt động cụ thể theo từng năm để duy trì và nâng cao chất lượng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia”. Cùng với đó, hàng năm, nhà trường kiểm tra rà soát và xác định các hạng mục, thiết bị dạy học cần giúp đỡ để vận động xã hội hóa. Kết quả, từ năm 2012 đến nay, trường đã vận động 3,3 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học.

Không chỉ chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục thành phố Việt Trì đặc biệt quan tâm đến chất lượng và hiệu quả giáo dục. Tính đến tháng 7 năm 2017, thành phố có 71/78 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó có 27/30 trường thuộc 10 xã đã được công nhận chuẩn. Sau khi được công nhận chuẩn, các trường luôn bám sát tiêu chuẩn về chất lượng giáo dục các cấp học theo quy chế, triển khai đồng bộ các giải pháp để không ngừng nâng cao chất lượng toàn diện, chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn. Số lượng học sinh giỏi, học sinh hoàn thành chương trình học, đỗ vào các trường cấp 3, cũng như đội ngũ giáo viên chuẩn, trên chuẩn được bồi dưỡng, tăng lên theo từng năm. Ông Nguyễn Huy Hiền – Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo thành phố khẳng định: “Thành phố Việt Trì luôn quan tâm tới công tác xây dựng trường học chuẩn quốc gia tại tất cả các trường học trên địa bàn thành phố. Đặc biệt đối với các xã khó khăn, thành phố đã tăng cường đủ đội ngũ giáo viên theo yêu cầu, đảm bảo đồng bộ về bộ môn, đủ về số lượng; cơ sở vật chất ngày càng được ưu tiên đầu tư hơn. Ví dụ như: trong năm học 2016 – 2017 vừa qua, thành phố đã đầu tư xây mới 6 phòng cho trường mầm non Kim Đức, trường mầm non Chu Hóa đang xây dựng trụ sở mới với dự toán 12 tỷ đồng… nhằm mục tiêu cuối năm 2018, 100% trường học thuộc các xã khó khăn trên địa bàn thành phố sẽ được công nhận trường chuẩn quốc gia”.

Có thể nói, duy trì, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia tại các xã khó khăn thành phố không chỉ tạo khí thế thi đua ở các địa phương, mà còn góp phần tạo nên sự cân bằng giữa các nhà trường trên địa bàn, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn thành phố, đưa Việt Trì xứng đáng là đơn vị dẫn đầu tỉnh về giáo dục – đào tạo.

Thùy Dung – Ngọc Hà