PV: Chào bà, được biết, TP Việt Trì đang chuẩn bị ban hành Quy tắc ứng xử trên điạ bàn. Là cơ quan chủ trì của thành phố trong công tác soạn thảo và ban hành Quy tắc, bà có thể cho biết về tiến độ thực hiện và thời gian ban hành cuốn sổ tay trên địa bàn toàn thành phố?
* Bà Nguyễn Thu Hiền: Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố Việt Trì lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Chương trình hành động số 01-Ctr/TU ngày 10/11/2015 của Thành ủy Việt Trì, phòng Văn hóa và Thông tin đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số: 267/KH-UBND ngày 03/02/2016 về việc thực hiện nếp sống văn minh, phong cách công dân thành phố Việt Trì Thanh lịch, mến khách, thân thiện, giầu tính nhân văn, mang đậm tình người Đất Tổ giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch số 1590/KH-UBND ngày 5/7/2017 về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và phát hành quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố Việt Trì trong đó xác định rõ thời gian lấy ý kiến như sau: Từ ngày 12/7 đến 7/8/2017 đã tổ chức triển khai lấy ý kiến đến các đối tượng là cán bộ, đảng viên , hội viên, đoàn viên, công chức, người lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân sống và làm việc trên địa bàn thành phố; các nhà văn hóa, nhà xã hội học, trí thức, các nhà lãnh đạo cách mạng trên địa bàn thành phố để tổng hợp và báo cáo Thường trực Thành ủy.
Qua tổng hợp việc lấy ý kiến Nhân dân và các ngành, các cấp được chia làm 02 đợt: Đợt 1 ( Từ ngày 09/3 đến 15/4/2017) với hơn 20.000 lượt ý kiến tham gia của Cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân sống và làm việc trên địa bàn thành phố Việt Trì; Đợt 2 (Từ ngày 12/7 đến 27/7/2017 ) đã tổ chức 372 hội nghị lấy ý kiến nhân dân về dự thảo quy tắc ứng xử thông qua cuộc họp giao ban, hội nghị cơ sở, họp chuyên đề, tọa đàm ... với sự tham dự của 52.396 người và có 301 lượt ý kiến tham gia đóng góp của các tầng lớp Nhân dân, các ngành, các cấp, các nhà văn hóa, nhà xã hội học, trí thức, các nhà lãnh đạo lão thành cách mạng trên địa bàn thành phố.
Như vậy, từ khi có sự chỉ đạo của Thành ủy- UBND thành phố, Phòng đã tham mưu xây dựng Quy tắc ứng xử văn hóa trên địa bàn thành phố theo đúng tiến độ quy định. Việc tổ chức lấy ý kiến tiến hành khoa học, công khai, dân chủ, chất lượng đã phát huy quyền làm chủ, huy động mọi sự tham gia, đóng góp trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp Nhân dân, các ngành, các cấp, các nhà văn hóa, nhà xã hội học, trí thức, các nhà lãnh đạo lão thành cách mạng trên địa bàn thành phố.
Tính đến thời điểm hiện tại, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết thông qua Quy tắc ứng xử văn hóa trên địa bàn thành phố Việt Trì. Dự kiến sẽ phát hành trong tháng 9/2017.
PV: Xin bà cho biết về những nội dung chủ yếu nhất trong Quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố? Và đối tượng áp dụng Quy tắc này là những đối tượng nào?
* Bà Nguyễn Thu Hiền: Quy tắc ứng xử văn hóa được thực hiện trên địa bàn thành phố Việt Trì và áp dụng cho các đối tượng sau: Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị; học sinh, sinh viên, người dân sống, lao động và học tập trên địa bàn thành phố Việt Trì. Công dân Việt Nam, người nước ngoài đến làm việc, học tập, tham quan du lịch và lưu trú tại thành phố Việt Trì. Các tổ chức, đơn vị quản lý các công trình công cộng, di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố.
Quy tắc ứng xử văn hóa bao gồm 3 chương, 11 điều bao gồm quy tắc ứng xử văn hóa chung, đồng thời có quy định riêng như quy tắc ứng xử văn hóa trong gia đình, nơi công cộng, du lịch và lễ hội với từng địa điểm cụ thể như tại vỉa hè, các tuyến đường giao thông; công viên, vườn hoa, quảng trường, khu vui chơi giải trí, các điểm tham quan du lịch; tại các di tích lịch sử văn hóa, các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo; bảo tàng, thư viện, nhà thi đấu, sân vận động, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại… nhằm từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực ứng xử văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố nhằm xây dựng phong cách công dân thành phố Việt Trì: “Thanh lịch, mến khách, thân thiện, giầu tính nhân văn, mang đậm tình người Đất Tổ”, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng Đất Tổ Hùng Vương, từng bước xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội "Về với cội nguồn dân tộc Việt Nam".
PV: Qua tổ chức lấy ý kiến nhân dân, nội dung nào trong Quy tắc được người dân thành phố quan tâm nhất?
* Bà Nguyễn Thu Hiền: Qua tổ chức lấy ý kiến nhân dân, nội dung quy tắc ứng xử văn hóa trong gia đình, trong du lịch và trong lễ hội được đặc biệt quan tâm. Trước hết, nội dung quy tắc ứng xử trong gia đình được quan tâm, chú trọng bởi dù ở thời đại nào, văn hóa ứng xử trong gia đình luôn là nền tảng cho văn hóa xã hội. Đây là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, đồng thời cũng là nơi bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn lực phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Thứ hai, nội dung Quy tắc ứng xử văn hóa du lịch cũng được các tầng lớp nhân dân, các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo. Hiện nay, do nhu cầu đi du lịch trở nên tất yếu đối với con người trong xã hội hiện đại, nhằm thỏa mãn được nhu cầu tìm hiểu, giao thoa văn hóa khắp nơi trên thế giới. Nhu cầu du lịch tăng cao cùng với sự thuận tiện của cơ sở hạ tầng đã giúp ngành du lịch phát triển mạnh mẽ. Để từng bước xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội "Về với cội nguồn dân tộc Việt Nam" trước hết phải giúp cho du khách cũng như người dân địa phương nâng cao ý thức bản thân thông qua tuyên truyền rộng rãi những nét văn minh văn hóa tốt đẹp, nét riêng đặc sắc của vùng Đất Tổ.
Cuối cùng, nội dung Quy tắc ứng xử văn hóa trong lễ hội. Như chúng ta đã thấy, trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội nhiều năm qua đưa rất nhiều hình ảnh, tin tức phản cảm của người dân địa phương và du khách trong ngoài nước khi tham gia lễ hội như việc người dân chen lấn, xô đẩy cướp lộc, tranh ấn, đi xe công đi lễ chùa trong giờ hành chính, các tệ nạn mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh… Đã đến lúc các nhà quản lý, chính quyền địa phương vào cuộc tích cực để nhắc nhở, giáo dục văn hóa kinh doanh, văn hóa làm du lịch từ người dân. Chính vì vậy, việc ban hành Quy tắc ứng xử văn hóa nói chung, quy tắc ứng xử văn hóa trong du lịch nói riêng của thành phố Việt Trì thực sự là rất cần thiết và kịp thời nhằm xây dựng hình ảnh con người Việt Trì: “Thanh lịch, mến khách, thân thiện, giầu tính nhân văn, mang đậm tình người đất Tổ”, để Việt Trì trở thành điểm đến mang yếu tố tâm linh, tín ngưỡng, đậm tính nhân văn và truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
PV: Để thực hiện có hiệu quả Quy tắc trên, công tác triển khai thực hiện như thế nào? Trong trường hợp phát hiện những tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc không chấp hành theo Quy tắc ứng xử trên về phía thành phố có biện pháp gì, thưa bà?
* Bà Nguyễn Thu Hiền: Để thực hiện có hiệu quả bộ quy tắc trên, phòng Văn hóa và Thông tin thành phố đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch triển khai tuyên truyền và phát hành quy tắc ứng xử trên phạm vi toàn thành phố với các nội dung, cụ thể là: Tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai, phổ biến quy tắc ứng xử dự kiến vào trung tuần tháng 10 cho các đối tượng là lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn; chi đảng bộ trực thuộc thành phố; các đoàn thể; các xã, phường, khu dân cư. Tổ chức tuyên truyền quy tắc ứng xử trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài Thành phố, trên Cổng Thông tin điện tử Thành phố, Đài Truyền thanh- Truyền hình từ Thành phố tới cơ sở, trên các trang web- site của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố… Bên cạnh đó, Phòng cũng tham mưu UBND thành phố phát hành sổ tay Quy tắc ứng xử văn hóa kết hợp hình ảnh minh họa bằng đồ họa; Xây dựng và phát video clip đồ họa động chứa thông điệp phổ quát về quy tắc ứng xử văn hóa trên địa bàn thành phố Việt Trì, lời bình tiếng Việt và chạy phụ đề tiếng Anh đăng tải trên Youtube, Facebook, cổng thông tin điện tử thành phố, màn hình tại các nút giao thông, tại khu, điểm du lịch, sảnh khách sạn, nhà hàng lớn... Đẩy mạnh tuyên truyền, lắp dựng các pano, áp phích tuyên truyền nội dung thực hiện quy tắc ứng xử tại các nơi công cộng, trên trục đường chính và đường ngang, tại trung tâm các cơ quan, đơn vị, UBND các phường, xã, nhà văn hoá khu dân cư, cổng trường học, bệnh viện, các di tích lịch sử văn hóa, các city tour của thành phố. Đồng thời, thành phố sẽ tổ chức hướng dẫn UBND các phường, xã thực hiện niêm yết công khai bằng pano, áp phích cỡ chữ to các nội dung của quy tắc ứng xử văn hóa tại những nơi dễ nhìn thấy, những nơi đông người qua lại, cổng ra vào, hội trường, nhà văn hóa, phòng làm việc… để nhân dân, cán bộ dễ đọc, dễ quan sát; thiết lập đường dây nóng, hộp thư góp ý để Nhân dân đóng góp ý kiến.
Cùng với đó là Phát động thi đua triển khai thực hiện quy tắc ứng xử, cụ thể: Các đơn vị phát động phong trào thi đua trong cơ quan, đơn vị về thực hiện quy tắc ứng xử. Hàng năm xét danh hiệu thi đua, khen thưởng; bình xét danh hiệu văn hóa dựa trên cơ sở thực hiện quy tắc ứng xử. Định kỳ 6 tháng, 01 năm tổ chức đánh giá nêu những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện quy tắc ứng xử. Phê phán những cá nhân, tập thể có thái độ, hành vi ứng xử trái với quy tắc và có hình thức xử lý đối với những cá nhân cố tình vi phạm.
PV: Trong trường hợp phát hiện những tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc không chấp hành theo Quy tắc ứng xử trên về phía thành phố có biện pháp gì, thưa bà?
* Bà Nguyễn Thu Hiền: Việc khen thưởng, xử lí trong Quy tắc ứng xử văn hóa trên địa bàn thành phố Việt Trì chủ yếu mang tính chất để xây dựng ý thức cho tổ chức, cá nhân chứ không phải là xử phạt. Những cá nhân có hành động tốt mang tính chất điển hình cần phải được biểu dương trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những trường hợp vi phạm, cách hành xử không đúng có thể sẽ bị phê bình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc làm này giống như cách mà các đơn vị truyền thông phản ánh công chức đi lễ chùa vào giờ hành chính dịp tết vừa qua. Mục đích của việc phê bình này mang tính chất định hướng, khuyên nhủ, hướng dẫn, nhắc nhở để mọi người không vi phạm các quy định, từ đó có hành động, cử chỉ, lời nói, tác phong, lối ứng xử đẹp hơn, văn minh, lịch sự hơn. Nói cách khác, Quy tắc ứng xử văn hóa là gianh giới “ngăn” những hành vi không nên làm, nếu cố tình bước qua gianh giới ấy, rất có thể sẽ vi phạm các quy định của pháp luật. Nếu dừng lại đúng lúc, kịp thời, môi trường văn hóa, văn minh nơi công cộng sẽ dần hình thành.
Do đó, Quy tắc ứng xử văn hóa trên địa bàn thành phố Việt Trì không kèm theo chế tài xử phạt, nhưng có biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt. Tổ chức, cá nhân nào vi phạm, tùy theo mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý theo quy định.
PV: Vâng, xin cảm ơn bà về nội dung cuộc trao đổi!