Đê nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Kinh tế - Xã hội
Cập nhật ngày: 16/05/2016 13:08
Để nâng cao chất lượng và phát huy được vai trò của từng thành viên của Ban kinh tế - xã hội HĐND thành phố; hằng năm, Ban căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, năng lực và lĩnh vực công tác của từng thành viên để phân công và điều hoà công việc một cách hợp lý.

Ban kinh tế - xã hội HĐND Thành phố từ đầu nhiệm kỳ 2011 - 2016 có 7 thành viên, đến nay còn 6 thành viên, có 1 thành viên chuyển công tác. 100% thành viên ban đều là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm và là lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị từ thành phố đến cơ sở, thuộc nhiều lĩnh vực công tác khác nhau (Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, y tế, doanh nghiệp...).

Trong nhiệm kỳ qua, công tác thẩm tra các báo cáo, đề án, kế hoạch, tờ trình, dự thảo nghị quyết của Ban KT-XH trước kỳ họp được thực hiện theo đúng quy trình, Trưởng ban, Phó Ban đã thường xuyên được tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn bản, nên có điều kiện để nghiên cứu sâu, kỹ nội dung. Đồng thời phân công cụ thể cho từng thành viên của Ban nghiên cứu, thu thập thông tin, đối chiếu với các quy định của pháp luật, Nghị quyết của Đảng bộ Thành phố liên quan đến nội dung báo cáo cần thẩm tra. Trong quá trình thẩm tra, Ban đã chủ động làm việc với một số cơ quan, đơn vị  để nắm bắt thêm thông tin phục vụ công tác thẩm tra hoặc mời các cơ quan liên quan đến tham dự, báo cáo bổ sung những vấn đề cần thiết. Đối với những Nghị quyết có phạm vi lớn như: Kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia thành phố Việt Trì giai đoạn 2011-2015, kế hoạch xây dựng nông thôn mới thành phố Việt Trì giai đoạn 2012-2015, Kế hoạch phát triển du lịch thành phố Việt Trì đến năm 2020... Ban đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, thu thập những thông tin quan trọng, mang tính phản biện làm cơ sở để Ban báo cáo trình HĐND xem xét tính hợp lý chính xác, hợp pháp, tính chân thật, tính khả thi của các báo cáo do cơ quan chức năng trình tại kỳ họp, từ đó giúp HĐND đưa ra những quyết định đúng đắn, thông qua nghị quyết đảm bảo đúng trình tự, đúng pháp luật, có hiệu lực và đảm bảo tính khả thi cao.

Thông qua các Nghị quyết và chương trình giám sát, nhiệm kỳ 2011-2016 Ban Kinh tế xã hội HĐND Thành phố đã thực hiện  10 đợt giám sát, tại 54 đơn vị. Nội dung các cuộc giám sát được tập trung vào các lĩnh vực được cử tri quan tâm như: các khoản thu, đóng góp thỏa thuận trong các nhà trường, phát triển du lịch, giao thông nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, y tế.... Hàng năm, trước mỗi cuộc giám sát Ban KT-XH thành lập đoàn giám sát gồm các thành viên của Ban, mời đại diện UBND, Ủy ban MTTQ và lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn tham gia cùng đoàn giám sát, đối với tài liệu đơn vị chịu sự giám sát được yêu cầu gửi trước về cho các thành viên tham gia giám sát nghiên cứu. Sau giám sát Ban KT-XH của HĐND đều có thông báo kết quả gửi đến các cơ quan, tổ chức có liên quan, các đơn vị được giám sát trong đó nêu rõ những kết quả đạt được, hạn chế, thiếu sót và những kiến nghị đề xuất. Nhìn chung các kiến nghị sau giám sát được các đơn vị giám sát có kế hoạch, biện pháp khắc phục tồn tại hạn chế, các kiến nghị, đề xuất đã được các cơ quan chức năng tiếp thu và từng bước giải quyết.  Ngoài việc tham gia giám sát của Ban, Trưởng, phó Ban còn tích cực tham gia hoạt động giám sát, khảo sát của Thường trực HĐND Thành phố, các Ban của Tỉnh và các cơ quan chuyên môn khác.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động Ban KT- XH gặp một số hạn chế, khó khăn: các thành viên của Ban đều là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm và giữ các chức vụ chủ chốt của các cơ quan, đơn vị; các báo cáo trình HĐND thuộc lĩnh vực kinh tế, xã hội rộng, nhiều vấn đề lớn, nhạy cảm đòi hỏi các thành viên trình độ chuyên môn sâu mới có thể tham gia đóng góp ý kiến được; hoạt động giám sát còn có hạn chế dẫn đến việc thẩm tra, giám sát có lúc chưa toàn diện, thiếu chiều sâu; thành viên Ban tham gia đoàn giám sát, các cuộc họp thẩm tra của Ban đôi khi còn vắng do bận nhiều công việc.

Từ thực tiễn hoạt động thẩm tra báo cáo và giám sát của Ban nhiệm kỳ 2011-2016, Ban KT- XH đã rút ra được những bài học, đồng thời tham gia một số ý kiến để nâng cao chất lượng hoạt động của Ban trong nhiệm kỳ tới như sau:

Một  là: Thành viên của Ban phải là những người có trình độ chuyên môn, am hiểu thực tiễn và có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà Ban  KT - XH phụ trách.

Hai là: Hoạt động giám sát phải được lựa chọn các vấn đề thiết thực, sát với đời sống kinh tế xã hội, các vấn đề cử tri quan tâm. Qua giám sát phải đánh giá đúng thực trạng, tình hình của đơn vị, sau giám sát phải đôn đốc, theo dõi việc thực hiện các kiến nghị của các cơ quan, đơn vị liên quan. Đối với những kiến nghị sau giám sát chậm được thực hiện hoặc thực hiện không đến nơi, đến chốn thì Ban KT - XH có thể tái giám sát việc tổ chức thực hiện các kiến nghị đó hoặc sẽ đề cập trong báo cáo thẩm tra hay thực hiện chất vấn tại các kỳ họp HĐND tiếp theo.

Ba là: Khi xem xét các văn bản thẩm tra Ban KT - XH phải quan tâm đến tính hợp pháp, tính trung thực, nội dung, hình thức của của các văn bản dự thảo: không trái với những qui định của Hiến pháp, pháp luật và không trái với thẩm quyền ban hành; dữ liệu đảm bảo thông tin khách quan, chính xác, đầy đủ không mâu thuẫn với các thông tin ở các văn bản do cơ quan cùng cấp ở địa phương đã ban hành và mang tính thời sự; phù hợp với điều kiện đặc thù của tình hình địa phương và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân thuộc phạm vi và đối tượng tác động; để nêu ra được những ý kiến thẩm tra sát thực, cần có sự phân tích nội dung cụ thể của dự thảo về mục tiêu, tiêu chí đánh giá, hiệu quả có thể có và sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân khi dự thảo được thông qua và đưa vào thực hiện. Khi thẩm tra, ban yêu cầu các cơ quan liên quan cung cấp tài liệu và trình bày các vấn đề cần thiết, đồng thời tiến hành khảo sát tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị về những vấn đề liên quan nội dung thẩm tra văn bản. Chú ý các nguồn thông tin phải trung thực, khách quan.

Bốn là : Phiên họp thẩm tra của ban cần tiến hành theo đúng trình tự qui định của pháp luật: Đủ thời gian cho việc nghiên cứu thảo luận của các thành viên, đánh giá nội dung dự thảo văn bản và trao đổi thẳng thắn, cởi mở giữa các thành viên Ban với đại diện cơ quan soạn thảo. Báo cáo phải có kết luận chính xác về nội dung dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án; nêu bật được các nội dung được và chưa được của dự thảo; đồng thời, đưa ra được các kiến nghị cụ thể của Ban đối với các nội dung của dự thảo đã thẩm tra; trong đó nêu rõ những điểm nào còn có ý kiến khác nhau, điểm nào có thể chấp nhận để thông qua, điểm nào cần tiếp tục thảo luận để bổ sung hoàn chỉnh. Trường hợp nội dung đề án chuẩn bị chưa kỹ, chưa đảm bảo yêu cầu về nội dung, thì Ban kiến nghị HĐND xem xét, cho chuẩn bị lại, sẽ thông qua tại kỳ họp sau. 

Nguyễn Văn Lâm( Trưởng Ban tổ chức Thành ủy)