Phượng Lâu là địa phương có bề dày về truyền thống văn hóa, trên địa bàn hiện có 2 di tích được xếp hạng Quốc gia; 3 di tích được xếp hạng cấp Tỉnh, 2 di tích chưa được xếp hạng; 6 lễ hội truyền thống đang được duy trì tổ chức hàng năm như Lễ hội Đền Phượng Lâu; lễ hội Đình – Miếu Phượng An; lễ hội Đình – Miếu An Thái… Hát Xoan An Thái được tổ chức hàng năm trong ngày lễ hội làng và hát cửa Đình cùng nhiều hoạt động văn hóa dân gian như kéo co, chọi gà, đập niêu, múa lân… đã góp phần gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa, quảng bá đến du khách thập phương. Thời gian qua, Phượng Lâu cũng đã thực hiện chương trình hành động “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp Hát Xoan Phú Thọ” với việc đưa các chương trình hát Xoan vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa. Từ năm 2013 đến nay, Phượng Lâu đã lập hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo 1 số di tích với số tiền trên 29 tỷ đồng. Địa phương đã cử cán bộ tập huấn về nghiệp vụ du lịch, mở các lớp học Xoan tại xã với trên 2000 học viên; xây dựng điểm du lịch hát Xoan làng Cổ phục vụ du khách vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và khi có nhu cầu.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã cùng thảo luận về những thuận lợi cũng như khó khăn trong công tác bảo tồn; Việc triển khai quy hoạch liên quan đến xây dựng các di tích; công tác tuyên truyền quảng bá sản phẩm du lịch; việc quan tâm đến khai thác các sản phẩm hàng hóa; hướng dẫn viên phục vụ du khách còn hạn chế; kinh phí để phục hồi và bảo tồn một số lễ hội truyền thống hiện nay…
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần văn Nho – Phó chủ tịch thường trực HĐND thành phố - Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao những nỗ lực của địa phương trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa cũng như các di tích trên địa bàn. Để thúc đẩy du lịch trở thành một ngành kinh tế gắn với việc xây dựng thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, thời gian tới, địa phương sẽ cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; nâng cao nhận thức của người dân về việc phát triển du lịch của địa phương. Tiếp tục huy động các nguồn lực để tu bổ, tôn tạo, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng trên địa bàn; phối hợp với các đơn vị, ngành chức năng tạo cơ chế thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà hàng, khách sạn, khu sinh thái phục vụ du lịch; tập trung phát triển loại hình du lịch có tiềm năng, lợi thế./.