Trên thực tế, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND phụ thuộc chủ yếu và được quyết định bởi chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND. Để HĐND thực sự đại diện cho Nhân dân, phải bắt đầu từ vai trò, trách nhiệm và năng lực của từng đại biểu HĐND.
HĐND thành phố Việt Trì khóa XIX, nhiệm kỳ 2011 - 2016 có 39 đại biều, tăng 6 đại biểu so với nhiệm kỳ trước. Đại biểu có trình độ đại học và trên đại học chiếm 85%. Trong nhiệm kỳ, các đại biểu HĐND đã nêu cao tinh thần trách nhiệm là người đại diện của Nhân dân, tích cực học tập, nghiên cứu, nâng cao chất lượng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, giữ đúng lời hứa với cử tri trong quá trình tranh cử.
Trong nhiệm kỳ qua, các đại biểu HĐND thành phố đã tham gia đầy đủ các hoạt động của HĐND như hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri, các kỳ họp, phiên họp của HĐND và dự các kỳ họp HĐND phường, xã nơi đại biểu ứng cử. Chủ động thu thập thông tin để tham gia phát biểu, chất vấn trong các kỳ họp. Nắm bắt kịp thời tình hình địa phương nơi ứng cử để trực tiếp giải thích, đối thoại với Nhân dân tại các buổi TXCT. Nắm bắt các ý kiến, kiến nghị của cử tri để đề xuất với các cơ quan liên quan giải quyết. Trong các kỳ họp của HĐND, các đại biểu đã lựa chọn các vấn đề trọng tâm, các vấn đề bức xúc cử tri quan tâm để yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ. Một số đại biểu đã kiên trì đeo bám vấn đề đã chất vấn, kiến nghị đến khi có kết quả, thể hiện tâm huyết trong hoạt động dân cử, đóng góp tích cực cho hoạt động của HĐND thành phố, tạo niềm tin tưởng của cử tri vào HĐND.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực như trên, cũng cần nhìn nhận khách quan hoạt động của đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ qua vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đó là: Đại biểu chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, nên thời gian dành cho hoạt động của HĐND chưa nhiều, từ đó dẫn đến việc nghiên cứu, xem xét, đưa ra các giải pháp hiệu quả và quyết định những vấn đề quan trọng, nhất là về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, xây dựng cơ bản còn có nội dung chưa sâu. Trong các kỳ họp, phần nhiều các ý kiến phát biểu tập trung vào các kiến nghị cử tri, chưa nêu được các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Chất lượng hoạt động của đại biểu chưa đồng đều, một số ít đại biểu chưa thật sự tích cực tham gia các hoạt động của HĐND, còn thiếu tự tin, ngại va chạm trong hoạt động giám sát, đặc biệt là trong chất vấn chưa quyết liệt truy đến cùng về nguyên nhân và trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến nội dung chất vấn. Một số đại biểu chưa sắp xếp công việc, thời gian để tham dự đầy đủ các kỳ họp của HĐND nơi mình ứng cử nên chưa nắm bắt và chuyển tải kịp thời tình hình và những vướng mắc của địa phương với cơ quan chức năng…Từ đó, dẫn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND bị hạn chế, phần nào còn hình thức và chưa thực chất. Ngoài ra, một số hạn chế thuộc về cơ chế, chính sách cũng ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND như: chưa có quy định cụ thể đại biểu HĐND phải dành bao nhiêu thời gian trong tháng/quý cho hoạt động đại biểu dân cử; không có chế độ sinh hoạt định kỳ để nhận xét đánh giá hoạt động của Tổ đại biểu và đại biểu HĐND, không qui định đại biểu HĐND định kỳ phải báo cáo kết quả hoạt động của mình trước cử tri nơi tham gia ứng cử...
.
Nguyên nhân của thực trạng trên, trước hết do lĩnh vực hoạt động của HĐND rất rộng, đòi hỏi đại biểu phải có kiến thức tổng quát và kinh nghiệm thực tiễn, trong khi đó công tác quy hoạch cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng nhằm tạo nguồn đại biểu HĐND chưa được quan tâm. Bên cạnh đó, khi thực hiện hiệp thương lựa chọn ứng cử viên để bầu cử đại biểu HĐND còn nặng về cơ cấu, không những thế một đại biểu còn phải gánh nhiều cơ cấu.
Một số đại biểu nặng về nhiệm vụ chuyên môn ở cơ quan, chưa dành thời gian nghiên cứu, cập nhật thông tin cần thiết để phục vụ hoạt động HĐND, do vậy ít có đóng góp vào các hoạt động của HĐND.
Một số đại biểu HĐND được bầu theo cơ cấu ít có điều kiện tiếp cận với các nguồn thông tin nên việc tiếp thu, giải trình kiến nghị của cử tri trong TXCT còn hạn chế. Trong việc chất vấn ngoài việc thiếu thông tin, thiếu tự tin trong trình bày ý kiến chất vấn, còn có tâm lý cho là gây không khí căng thẳng trong kỳ họp, băn khoăn sau chất vấn ảnh hưởng đến bản thân hoặc cơ quan, đơn vị… Số lượng đại biểu thiếu tính ổn định. Công tác bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND sau khi được bầu còn hạn chế, không thường xuyên, nặng về lý luận, thiếu những kinh nghiệm thực tiễn cụ thể trong hoạt động của đại biểu. Do vậy, sau tập huấn trình độ đại biểu chưa được nâng lên. Đa số đại biểu hoạt động theo kiểu vừa học vừa làm.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND, phát huy vai trò người đại biểu dân cử trong hoạt động của HĐND trong nhiệm kỳ tới, tôi xin trao đổi một số nội dung sau:
Một là, chất lượng các hoạt động của HĐND trước hết phụ thuộc vào năng lực của từng đại biểu HĐND. Do đó trong công tác bầu cử đại biểu HĐND trước hết phải đổi mới công tác hiệp thương, giới thiệu đại biểu. Việc lựa chọn bầu cử đại biểu HĐND không nên nặng về cơ cấu nhất là cơ cấu mang tính hình thức, mà nên coi trọng phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực công tác, tâm huyết với hoạt động của HĐND, có năng lực đóng góp vào hoạt động của Hội đồng nhân dân, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu. Thực tế cho thấy có những đại biểu có đạo đức, phẩm chất tốt nhưng lại thiếu năng lực đóng góp vào những hoạt động chung của HĐND. Mặt khác, cũng có người cả năng lực và phẩm chất đều tốt nhưng lại không có điều kiện hoạt động HĐND. Do đó, cần đặc biệt chú ý tiêu chuẩn của đại biểu “Có năng lực đóng góp vào hoạt động của Hội đồng nhân dân, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu”.
Hai là, qui định chế độ sinh hoạt định kỳ để nhận xét đánh giá kết quả hoạt động của đại biểu HĐND. Định kỳ hàng năm, mỗi đại biểu HĐND phải báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ đại biểu HĐND với cử tri nơi mình được bầu. Đây là việc phát huy quyền giám sát của Nhân dân đối với đại biểu dân cử, buộc mỗi đại biểu phải hoạt động tốt hơn, có trách nhiệm hơn trước xã hội và cử tri. Đồng thời thể hiện đúng vị trí, vai trò và nhiệm vụ là “người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương”. Từ đó chủ động, tích cực tham gia các hoạt động thuộc trách nhiệm của người đại biểu, thể hiện đầy đủ quyền hạn của mình trên các lĩnh vực hoạt động của người đại biểu HĐND. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung việc khen thưởng đối với đại biểu HĐND.
Ba là, đổi mới công tác thông tin phục vụ hoạt động của đại biểu, cần thường xuyên cung cấp đầy đủ tài liệu, nhất là các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, các luật mới được ban hành, các thông tin về tình hình KT - XH của địa phương cho đại biểu HĐND. Đồng thời mỗi người đại biểu phải chủ động, tích cực nắm bắt thông tin, nắm tình hình thực tế của địa phương để tham gia thực hiện tốt công tác giám sát, thẩm tra, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng tại các kỳ họp của HĐND.
Bốn là, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho các đại biểu bằng nhiều hình thức. Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu, nhất là các kiến thức về quản lý Nhà nước, pháp luật, kỹ năng nghiên cứu tài liệu, thu thập thông tin, tiếp xúc cử tri, giám sát tại kỳ họp, giám sát thường xuyên, chất vấn, phản biện; kỹ năng thẩm tra, giám sát công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản; công tác xây dựng dự toán, quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước… cho đại biểu HĐND. Trên cơ sở đó, biên soạn thành tập tài liệu về kỹ năng hoạt động của HĐND, giúp đại biểu tăng cường vai trò của mình tại các kỳ họp HĐND. Đặc biệt các hội nghị tập huấn vè các chế độ, chính sách, pháp luật của các ngành phải có thành phần đại biểu HĐND.
Năm là, Trong công tác chất vấn tại các kỳ họp, nội dung chất vấn phải là những vấn đề có tính bức xúc, được đông đảo cử tri và đại biểu HĐND quan tâm, có căn cứ xác đáng, có địa chỉ cụ thể. Câu hỏi chất vấn cần ngắn gọn, dễ hiểu đi thẳng vào vấn đề cần chất vấn, yêu cầu đối tượng bị chất vấn xác định rõ trách nhiệm và hướng giải quyết, thời gian giải quyết để đại biểu HĐND tiếp tục giám sát việc thực hiện của người trả lời chất vấn cho đến khi vấn đề đã được giải quyết thỏa đáng. Coi hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND là cơ hội để HĐND phân tích, mổ xẻ những vấn đề còn tồn tại, khó khăn vướng mắc từ đó cùng với HĐND, UBND và các ngành, các cấp tìm giải pháp khắc phục, qua đó tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ.
Sáu là, mỗi đại biểu cần chủ động nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng để thực hiện tốt nhiệm vụ theo luật định. Cần tích cực nghiên cứu, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của HĐND; thường xuyên trau dồi kỹ năng hoạt động, kỹ năng thu thập và xử lý thông tin để giúp HĐND ban hành nghị quyết đúng đắn, đảm bảo phù hợp thực tiễn địa phương. Tăng cường tiếp xúc cử tri để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là phát hiện những bất cập, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ để kiến nghị sửa đổi, tháo gỡ kịp thời, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động HĐND thành phố và thực sự là người đại biểu đại diện của Nhân dân.