Ông Cự sinh năm 1933, quê gốc ở thôn Cẩm Đội, xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì. Ông tham gia thanh niên xung phong vào tháng 1 năm 1951, chính thức nhập ngũ ngày 10 tháng 10 năm 1952, thuộc Đại hội 673, tiểu đoàn 1-251, trung đoàn E174, Sư đoàn F316, đóng quân ở Thanh Hóa. Mới đầu gặp, Ông hơi dè dặt trong chuyện chia sẻ những ký ức thời chiến của mình, bởi với Ông đó không chỉ là quá khứ hào hùng mà còn có cả những đau thương, bởi giờ Ông tuổi đã cao, sức khỏe yếu, không ngồi được lâu, bởi trí nhớ của Ông không còn được như trước. Thuyết phục mãi, Ông mới đồng ý lật giở những trang giấy cũ, nơi Ông ghi chép lại toàn bộ những gì đã diễn ra tại trận chiến Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954. Ông chia sẻ: “Từ ngày tham gia quân ngũ, thường xuyên di chuyển, Ông mất liên lạc hoàn toàn với gia đình, những lúc được nghỉ ngơi, Ông lại viết nhật ký, giờ này, phút này, ngày hôm nay như thế nào, Ông đều ghi lại”. Ông trêu: “Đây là sở thích, thói quen của giới trí thức học, viết cho đỡ quên chữ, viết cho đỡ quên ước mơ còn đang dang dở của mình”.
Sinh ra trong một gia đình có điều kiện khá, Ông may mắn hơn bạn bè cùng trang lứa thời ấy, Ông được đi học hết cấp 3, và mong muốn được tiếp tục học đại học để trở thành kỹ sư điện. Uớc mơ là vậy, nhưng khi Ông vừa tròn 18 tuổi, theo lệnh tổng động viên, Ông đã nhanh chóng cùng với thanh niên trai tráng trong làng lên đường nhập ngũ, phục vụ, tham gia chiến đấu. 8 năm vào sinh ra tử khắp các chiến trường Hạ Lào, Lai Châu, nhưng trận chiến khiến Ông nhớ nhất là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Theo những trang giấy Ông ghi lại, ngày 12/12/1953, sau khi đánh thắng ở bản Mường Pồn (Lai Châu), quân Pháp thay đổi chiến thuật và tiến hành nhảy dù vào Điện Biên Phủ, Ông cùng đồng đội hành quân lên Điện Biên Phủ tham gia chiến đấu. Ngày 24/1/1954, chính thức chiếm lĩnh trận địa, triển khai đội hình, tiến đánh địch theo hướng đồi A1. Thời tiết lúc đó là mùa hè, mưa dầm, ăn uống thiếu thốn. Đặc biệt, ở Điện Biên Phủ nước thiếu trầm trọng, hàng nghìn người trông vào một khe suối, nước lúc nào cũng đục ngầu, người trên tắm, người dưới ăn uống. Đặc biệt, trong trận đánh Điện Biên Phủ, đào công sự là chiến thuật được quân ta triệt để sử dụng, nhất định phải có công sự thì mới đánh được địch. Đêm ta đào, ngày địch lấp, ta cài mìn để địch không lấp hào thì địch sử dụng máy bay, xe tăng, bom để lấp hào, ta và địch giằng co nhau từng tí. Thương vong trong quá trình đào công sự còn nhiều hơn khi vào đánh trong đồi; chưa kể mưa xuống, nước tràn vào chiến hào, tạo thành những con mương nhỏ ngập nước. Anh em chiến sỹ vô cùng mệt mỏi, nhưng được sự động viên của cấp trên, cùng tinh thần yêu nước, ai cũng quyết tâm chiến đấu đến cùng.
Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra với 3 đợt tấn công, trong đó đợt 2 và đợt 3 diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Ngày 5/4/1954, giai đoạn ác liệt nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ, trong lúc chiến đấu với địch, Ông Tạ Văn Cự bị thương ở đầu, chuyển đi điều trị tại Trạm xá. Ngay ngày hôm sau, khi cảm thấy sức khỏe đã khá hơn, Ông quay trở lại chiến trường, tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu đến khi Điện Biên Phủ giải phóng hoàn toàn (vào ngày 7/5/1954). Ông chia sẻ: “Chiến tranh rất ác liệt, đạn như mưa, đạn tránh mình chứ mình không tránh được đạn, chứng kiến nhiều đồng chí, đồng đội hy sinh mới thấy thương tâm và sợ hãi vô cùng. Người hôm qua còn nằm bên mình, hôm nay đã nằm lại chiến trường. Cứ mỗi lần quay về vị trí tập kết mới biết mình còn sống. Quân số bổ sung liên tục. Nhưng anh em chiến sỹ không vì thế mà nản lòng, bộ đội thương nhau nhiều hơn, ai nấy đều sẵn sàng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Sau khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, Ông Tạ Văn Cự tham gia áp giải tù binh về Thanh Hóa, Ông được phong làm Trung đội trưởng và đóng quân tại đó đến khi giải ngũ. Với ước mơ trở thành Kỹ sư điện, Ông đã tham gia học ở trường Trung cấp Nghề Hà Nội, sau đó làm công nhân ở Nhà máy Điện Hàm Rồng, rồi tiếp tục học lên Đại học, chuyên ngành Kỹ sư phát điện, cuối cùng về công tác tại Sở Điện lực Vĩnh Phú nay là Phú Thọ cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2000. Đến nay, Ông Tạ Văn Cự vừa tròn 55 năm tuổi Đảng. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương, kỷ niệm chương quý giá như: Huân chương chiến thắng hạng Nhất, huân chương kháng chiến chống Pháp, kỷ niệm chương của Lào…
63 năm đã trôi qua kể từ ngày chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, nhưng với những cựu chiến binh như ông Tạ Văn Cự, ký ức 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non” ấy chưa bao giờ phai mờ. Giờ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, con cháu đề huề, ngoài thời gian tập thể dục, giữ gìn sức khỏe, Ông vẫn giữ thói quen đọc báo, nghe thời sự, nhất là tình hình biển Đông. Khép lại trang nhật ký, Ông Cự nhấp ngụm nước trà đặc, Ông bảo “Phải ai đã từng đi qua chiến tranh rồi mới thấy độc lập, tự do quý giá biết nhường nào. Ngày nay cuộc Cách mạng đã thành công, mong các cháu thanh niên hãy biết quý trọng, giữ gìn thành quả này mà phát triển cao hơn”.