Thành phố Việt Trì hình thành 2 tuyến đê chính là đê Tả Thao và đê Hữu Lô, với tổng chiều dài là 22,4; trong đó, tuyến đê Tả Thao từ K95,6 xã Thụy Vân đến K105 phường Bến Gót và 1,0 km đê phòng thủ, tuyến đê Hữu Lô từ k59 xã Hùng Lô đến K72 phường Bến Gót và 2,5 km đê phòng thủ; ngoài ra là đê Lâm Hạc (từ cống Vĩnh Mộ đến Thanh Đình) dài 4 km và đê Bạc Hạc (từ cầu Việt Trì đến đê Cao Đại) dài 4,1 km; cùng nhiều tuyến đê được kết hợp đường giao thông như: quốc lộ 2, đường tỉnh lộ... Cùng với đó, thành phố có 13 tuyến kè , 17 cống lớn nhỏ qua đê và 38 trạm bơm tưới, tiêu các loại. Mặc dù thường xuyên được đầu tư tu bổ, nâng cấp các nhưng chủ yếu đắp bằng phương pháp thủ công qua nhiều thời kỳ áp trúc, mở rộng, tôn cao nên chất lượng đất đắp các tuyến đê không đồng đều. Nhiều đoạn đê mềm yếu hoặc nằm sát các ao sâu, bờ vở sông nên trong mùa mưa lũ, nước sông lên cao thường có hiện tượng thẩm lậu, bãi sủi, mạch sủi; mái đê ở một số tuyến còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro khi gặp thời tiết khắc nghiệt.
Với kinh nghiệm thực tế ứng phó với mưa bão, việc nâng cao nhận thức cho nhân dân để chủ động trong công tác phòng, chống lụt bão, thiên tai được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trưởng phòng Kinh tế, Phó Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Phan Thanh Dương cho biết: “Là cơ quan thường trực của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố chúng tôi sớm tham mưu với UBND thành phố chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai từ thành phố đến các xã, phường, giao chỉ tiêu chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư, phục vụ công tác phòng chống thiên tai cho các địa phương”.
Với quan điểm chỉ đạo: “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính”. Theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm phát huy sức mạnh toàn dân trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt do thiên tai gây ra”. Đến thời điểm này, cùng với vật tư chuẩn bị trên đê, kho trung tâm phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, hạt quản lý đê và tại 9 xã, phường ven đê do thành phố quản lý. UBND thành phố đã chỉ đạo thành lập 7cụm Phòng chống thiên tai tại các phường, xã bố trí trên dọc tuyến đê T.Ư và đê địa phương. Các xã, phường quyết định thành lập đội xung kích với trên 1.500 người. Các xã, phường chuẩn bị 28.000 cây tre búi và cọc tre, 25.000 chiếc bao tải, gần 14.000m3 đất, gạch đá và cát sỏi các loại, trên 4.000m2 bạt chắn sóng , cùng rơm, cuốc, xẻng các loại. Các xã phường ven đê còn chủ động dự phòng xe ô tô tải, xe con 3 máy xúc, thuyền hàng đò ngang. Ngoài ra, các hộ sinh sống ở ven đê còn chuẩn bị bao tải dồn đất sẵn sàng huy động ứng cứu, hộ đê khi có sự cố. Để chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm nay, thành phố đã chỉ đạo các ngành, đơn vị, xã, phường chủ động nhân lực, phương tiện, các điều kiện cần thiết để di dời, sơ tán người và tài sản của nhân dân tới nơi an toàn, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất khi có thiên tai xảy ra.Đồng thời chỉ đạo các xã, phường rà soát, nắm chắc các phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai hiện có của địa phương để kịp thời huy động ứng cứu khi có sự cố thiên tai. Thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền cho nhân dân chằng, chống nhà cửa để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng gió, lốc xoáy. Các xã, phường chủ động tổ chức triển khai thực hiện phương án ứng phó với thiên tai, bố trí lực lượng dân quân tự vệ, các thành viên phụ trách địa bàn, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, ngập lụt, chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai.
Trước mùa mưa bão, thành phố cũng đã tiến hành kiểm tra các công trình thủy lợi, hệ thống đê, kè, cống, các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng, các tuyến giao thông xung yếu để có biện pháp xử lý khi cần thiết. Bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ phòng chống thiên tai đáp ứng các yêu cầu thông tin dự báo khí tượng thủy văn, chỉ đạo điều hành của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, nhất là đối với các địa phương ven đê. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến về kiến thức phòng, tránh thiên tai để người dân chủ động thực hiện. Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương giao trách nhiệm cụ thể cho Chủ tịch UBND các xã, phường thủ trưởng các cơ quan, ban ngành chịu trách nhiệm trước Thường trực UBND thành phố về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương và lĩnh vực phụ trách.
Với sự chỉ đạo tích cực của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức phòng tránh thiên tai cho người dân, chủ động xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”, thành phố Việt Trì sẽ chủ động các biện pháp phòng tránh, làm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại khi có thiên tai xảy ra./.