Tâm sự của những “nhà báo” không thẻ
Cập nhật ngày: 21/06/2017 09:31
Làm báo không dễ dàng , nhất là đối với những “ nhà báo ” không thẻ của Đài Truyền thanh – Truyền hình thành p hố Việt Trì (TT –TH ). Tuy nhiên bằng sự hăng say, bằng tình yêu nghề , mến nghiệ p, các “nhà báo” không thẻ của Đài TT – TH Việt Trì đã không ngừng p hấn đấu, miệt mài đeo bám thông tin để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, để có thể truyền tải những kiến thức, thông tin đến bạn đọc và trở thành những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng văn hóa của thành phố, góp phần tích cực vào việc xây dựng, phát triển thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại .

        Sau nhiều năm gắn bó với Đài TT – TH Việt Trì, mặc dù chỉ nằm trong đội ngũ những “nhà báo” không thẻ (bởi công tác tại cơ quan Đài TT cấp huyện – cơ quan tuyên truyền mang tính chất báo chí, họ chỉ được gọi là những người làm công tác tuyên truyền của địa phương); nhưng hàng năm, mỗi dịp 21/6 -  ngày hội của những người làm báo cả nước, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Đài TT – TH Việt Trì luôn thấy vinh dự và tự hào vì đã được sống và làm việc thực sự với nghề báo – nghề đã rèn luyện cho họ có được bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng, giúp họ thật sự trưởng thành nhanh hơn trong công việc cũng như trong cuộc sống.

        Chị Trần Thị Thu Phương, Phó trưởng Đài phụ trách nội dung tâm sự: Từ một phóng viên, BTV, tổ trưởng nội dung, và hiện nay được sự quan tâm, ghi nhận của Thành ủy – UBND TP, tôi làm công tác quản lý, trực tiếp phụ trách, chỉ đạo hoạt động về nội dung và chịu trách nhiệm về chất lượng các chương trình tuyên truyền của Đài. Ở cương vị của mình, hơn lúc nào hết, tôi càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với nghề, với thành phố và đối với tập thể cán bộ, phóng viên cơ quan. Đài TT – TH Việt Trì hiện chỉ có 11 phóng viên, BTV, KTV trực tiếp thực hiện nhiệm vụ viết tin, bài và sản xuất các chương trình hàng ngày. Do đặc thù công việc nhiều, lực lượng mỏng mà mỗi cán bộ, phóng viên của Đài được ví như một con “dao pha” kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác và phải phát huy cao độ khả năng, thời gian làm việc thì mới hoàn thành nhiệm vụ hiện nay là: sản xuất hơn 300 chương trình phát thanh gốc mỗi năm, thực hiện và đưa tối thiểu 120 tin, 12 phóng sự ngắn, 12 số “Trang địa phương…trên sóng Đài phát thanh – truyền hình Tỉnh cùng nhiều nhiệm vụ đột xuất cũng như yêu cầu của Thành ủy – UBND TP giao; bên cạnh đó còn đảm nhận thực hiện nội dung tuyên truyền của Cổng thông tin điện tử, bảng điện tử…..Trong tổng số 11 người, phóng viên, BTV chỉ có 6 ( trong đó có 2 hợp đồng), còn lại là KTV và truyền dẫn phát sóng. Mức lượng hạn hẹp, nhưng bằng sự tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, các cán bộ, phóng viên của Đài đã nhanh chóng nắm bắt, tiếp cận và trở thành những “nhà báo” đa phương tiện (thực hiện nhiệm vụ cả trên Báo nói, báo viết, báo hình, báo điện tử); góp phần để Đài TT – TH Việt Trì hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

        Phóng viên –Biên tập viên Lê Thị Ngọc Hà chia sẻ: Sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, tôi bước vào nghề không đúng với ngành học sau 4 năm ở giảng đường, nhưng đó lại là niềm mong đợi của tôi từ hồi còn bé. Chưa hiểu được những khó khăn của nghề nhưng hình ảnh người phóng viên đứng trước ống kính đã trở thành mơ ước, là động lực để tôi phấn đấu bước ra khỏi miền quê nghèo cát trắng, thực hiện ước mơ của đời mình. Thật khó hình dung ra những vất vả của một nữ phóng viên, bên cạnh công việc cơ quan, còn gia đình, con cái… Nhiều lúc gia đình không hiểu được đặc thù công việc của mình, đi sớm về muộn, có ngày nghỉ cũng phải đi làm… nên đã có lúc tôi nản lòng, muốn tìm cho mình một công việc khác phù hợp hơn. Nhưng rồi, lòng yêu nghề đã giúp tôi vượt qua. Đến nay, gắn bó với công việc đã gần 11 năm, tuy chưa nhiều nhưng cũng đủ giúp tôi có được thêm những kinh nghiệm quý báu trong công tác.

        Với những Phóng viên, Biên tập viên, Kỹ thuật viên của Đài TT – TH Việt Trì, họ tác nghiệp như những nhà báo thực thụ, thậm chí còn “đa di năng”. Họ làm cả báo viết, báo hình, báo nói, báo điện tử. Họ vừa là phóng viên, vừa là quay phim, vừa là biên tập viên, vừa là phát thanh viên, vừa là kỹ thuật viên… Họ say mê với nghề bởi vì đằng sau mỗi bài viết, hay chỉ là những mẩu tin là cả một quá trình thu thập tin tức, viết bài và cuối cùng là sản phẩm đứa con tinh thần của mình ra đời…Tất cả đều cần sự thận trọng chính xác, để cung cấp cho khán thính giả những tin tức kịp thời, những bài viết có chất lượng.

       Chị Trần Thị Thùy Dung - Phóng viên –Biên tập viên cho biết: làm báo phát thanh, kiêm truyền hình, kiêm báo điện tử của chúng tôi cũng khá gian truân và vất vả, nếu không có lòng yêu nghề thì khó có thể theo đuổi được. Mặc dù mới chỉ là phóng viên hợp đồng, công việc hết sức vất vả, nhưng với tôi, đôi khi sự mệt mỏi đến tận cùng ấy đem lại những giá trị và hạnh phúc lớn lao.

         Kỹ thuật viên Minh Quang, người vừa kiêm quay phim, dựng hình, cũng là một trong những cán bộ có thời gian công tác hơn 10 năm ở Đài bộc bạch: Với tôi từ khi còn đi học đại học tôi không nghĩ mình sẽ công tác tại một cơ quan tuyên truyền như Đài PT-TH hay cơ quan Báo chí, bởi chuyên ngành tôi học cũng như bản thân tôi nghĩ là không phù hợp. Thế nhưng từ khi được thử việc, rồi làm cán bộ hợp đồng của Đài PT-TH TP Việt Trì, trong quá trình đó tôi đã dần thấy có sự đam mê, yêu thích nghề nghiệp; tuy có những lúc do áp lực công việc cũng như chế độ thù lao quá thấp nhưng tôi quyết tâm bằng mọi cách hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ.

         Ra khỏi nhà bất kể lúc nào không kể thời tiết nắng mưa hay đêm tối để theo sát các sự kiện đưa tin cho kịp thời. Nhiều người vẫn nói: nghề báo không hề đơn giản và chưa hẳn chỉ học thôi là đã đủ điều kiện hành nghề mà phải cần có những tố chất cũng như phẩm chất đặc thù để có thể theo đuổi nghề mãi mãi. Chị Phương cho biết: để có thể tự khẳng định mình, nhà báo phải thực sự yêu nghề, tâm huyết với nghề và không được phép lười biếng. Cho dù chưa hội tụ đủ những tố chất đặc thù, cho dù nghề báo là nghề vất vả, nhiều gian nan…; song những người là báo “không thẻ” của Đài TT– TH Việt Trì luôn tự nhủ sẽ mãi mãi gắn bó với sự nghiệp này; bởi Bác Hồ đã dạy “cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén” và đó chính là hành trang quý báu để họ cùng các đồng nghiệp tiếp tục thực hiện cuộc hành trình phát triển sự nghiệp phát thanh – truyền hình của thành phố.

        Việt Trì đã trở thành đô thị loại I và đang trong quá trình xây dựng Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, để góp phần cho sự phát triển của thành phố,  cán bộ, Phóng viên, Biên tập viên, Kỹ thuật viên– những “Nhà báo” không thẻ của Đài TT – TH Việt Trì sẽ tiếp tục trăn trở và hành động để đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng các chương trình, mở rộng tổ chức, quy mô hoạt động, nâng cao vai trò, vị thế để xứng tầm là cơ quan tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đô thị loại I. 

Tạ Hữu Đông