Trong mùa hè, nguy cơ ngộ độc cao nhất là từ thức ăn có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như: Cá, hải sản, sữa… nếu không được chế biến kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc sau khi ăn bảo quản không cẩn thận thì nguy cơ gây ngộ độc là rất cao. Thức ăn để trước 6 giờ có thể tạm coi là vô khuẩn nhưng sau 6 giờ, vi khuẩn đã có thể nhân lên gây ngộ độc cho người sử dụng.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm xảy ra trong mùa hè, người dân cần chú ý không nên chuẩn bị nhiều thức ăn nhanh mà không sử dụng hết, khi kéo dài thời gian để thực phẩm trong môi trường nắng nóng sẽ rất nguy hiểm khi sử dụng; nên chọn mua, sử dụng thực phẩm tại các cơ sở có địa chỉ tin cậy.
Đối với các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, mùa hè nắng nóng ảnh hưởng đến việc bảo quản và chế biến thực phẩm, thức ăn dễ ôi thiu, số lượng người ăn đông do đó dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm. Do vậy khi chế biến thực phẩm cần giữ gìn vệ sinh, chọn mua thực phẩm tươi sống, rõ nguồn gốc; không nên để thức ăn quá lâu sau khi nấu xong, không sử dụng các thực phẩm có nguy cơ ngộ độc cao như các loại mắm, gỏi bóp... Người chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong việc phòng chống ngộc độc và các bệnh lây qua đường ăn uống; thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm.
Người chế biến, kinh doanh thực phẩm đường phố nên rút ngắn thời gian chuẩn bị và phục vụ bữa ăn, bảo quản thức ăn kỹ lưỡng, tránh sử dụng các loại thực phẩm lên men như dưa chua, thực phẩm không tươi sống, không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu. Bên cạnh đó, trong những ngày nắng nóng, mọi người dân cần uống nhiều nước, ăn hoa quả hợp vệ sinh, không nên ăn thức ăn, uống nước giải khát tại các quán vỉa hè nghi ngờ không đảm bảo vệ sinh, từ chối hoặc không sử dụng các thực phẩm không an toàn để đảm bảo cho sức khỏe của bản thân…