I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH
Thành phố Việt Trì, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, kỹ thuật của tỉnh Phú Thọ, là một trong 11 trung tâm vùng của cả nước. Từ buổi bình minh dựng nước, các Vua Hùng đã chọn nơi đây làm kinh đô của nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Thời kỳ thực dân Pháp cai trị, Việt Trì là một làng nằm trong Tổng Lâu Thượng thuộc huyện Hạc Trì, năm 1957 là thị trấn Việt Trì. Đến 4/6/1962, Hội đồng Chính phủ ra quyết định số 65-CP thành lập thành phố Việt Trì trực thuộc tỉnh Phú Thọ.
Ngày 13/1/1984, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 10 - HĐBT phân vạch địa giới xã, phường của thành phố Việt Trì. Ngày 14/10/2004, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 180/QĐ công nhận thành phố Việt Trì là đô thị loại II. Từ năm 2006 đến 2010, Thành phố được điều chỉnh địa giới hành chính, sáp nhập thêm 6 xã thuộc huyện Lâm Thao, huyện Phù Ninh, huyện Ba Vì (Tỉnh Hà Tây cũ) vào thành phố Việt Trì và thành lập 3 phường; do vậy, hiện nay thành phố Việt Trì gồm 23 đơn vị hành chính (13 phường, 10 xã).
II. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
1. Tình hình kinh tế - xã hội và các phong trào đấu tranh trước khi có Đảng
Dưới ách thống trị của chính quyền thực dân phong kiến, nhân dân Việt Trì đã đứng lên đấu tranh, tham gia các cuộc nổi dậy của các sỹ phu yêu nước trong các phong trào kháng Pháp như: hưởng ứng cuộc vận động để tang cụ Phan Chu Trinh; tham gia tổ chức Quốc dân Đảng yêu nước do Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939) đã hình thành một số tổ chức quần chúng hoạt động khá sôi nổi như: Hội truyền bá quốc ngữ, Hội ái hữu, Nghiệp đoàn, Hướng đạo sinh… thực hiện mục tiêu đòi quyền dân chủ, dân sinh, các tổ chức ái hữu công nhân đấu tranh đòi tăng lương, không được đánh đập công nhân…
2. Thành lập chi bộ Đảng, tiến tới giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám
Từ tháng 8/1939 đến năm 1941, nhiều cán bộ Trung ương, xứ uỷ và khu uỷ đã về hai tỉnh là Vĩnh Yên và Phú Thọ trong đó có Việt Trì để xây dựng cơ sở Đảng và mặt trận. Đầu năm 1940, chi bộ nhà máy Bột giấy Việt Trì - 1 trong 4 cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Phú Thọ được thành lập do đồng chí Nguyễn Văn Giốc làm Bí thư chi bộ để lãnh đạo các phong trào của địa phương. Từ khi có chi bộ đảng lãnh đạo, phong trào cách mạng ở Bạch Hạc, Việt Trì đã tiến những bước vững chắc từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đấu tranh kinh tế đến đấu tranh chính trị và cùng với cả nước tham gia các cuộc khởi nghĩa góp phần vào thắng lợi của cách tháng Tám năm 1945.
3. Quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển
3.1. Xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, vừa kháng chiến vừa kiến quốc (1945 - 1954)
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng 8 năm 1945, Việt Trì bắt tay ngay vào giải quyết một số nhiệm vụ cấp bách đó là: chống nạn đói, xoá mù chữ và đối phó với âm mưu chống phá cách mạng của kẻ thù và bè lũ tay sai; thực hiện một số biện pháp để bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, giữ gìn trật tự trị an, ngăn chặn sự phá hoại của bọn Tàu - Tưởng và Quốc dân đảng phản động, bảo vệ tài sản của Nhân dân.
Nhằm dập tắt nạn đói, nhân dân Việt Trì đã bớt khẩu phần ăn, san sẻ lương thực giúp đỡ những gia đình bị đói. Phần lớn các gia đình đều đặt “Hũ gạo đồng tâm”, từ đó đã cơ bản khắc phục được nạn đói. Cuộc vận động diệt giặc dốt, bài trừ tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống mới diễn ra sôi nổi. Hầu hết các làng, xã, thị trấn đều tổ chức các lớp bình dân học vụ cho những người chưa biết chữ, kết quả sau hơn một năm đã xóa nạn mù chữ cho hàng ngàn người.
Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, riêng trong tuần lễ vàng nhân dân Việt Trì đã đóng góp cho cách mạng 126 chỉ vàng, 400 tấn lương thực, 40 ngôi nhà. Lực lượng vũ trang Việt Trì, các đội du kích xã Chính Nghĩa, Minh Nông và Đại đội Trần Phú - Hạc Trì (120 cán bộ chiến sĩ) đã bám dân, bám đất phối hợp với quân chủ lực đánh 462 trận lớn nhỏ, diệt 186 tên địch, bắt sống 13 tên. Đã có 232 người con của Việt Trì đã hy sinh vì Tổ quốc, hàng trăm người trở thành thương binh, bệnh binh; quân và dân Việt trì đã được quân khu Việt bắc tuyên dương là đơn vị dẫn đầu toàn quân khu; góp phần tích cực cùng nhân dân cả nước viết nên bản anh hùng ca chiến thắng Điện Biên Phủ.
3.2. Thời kỳ vừa xây dựng CNXH, vừa kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975)
Hòa bình lập lại ở Miền Bắc, Việt Trì cùng cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Việt Trì đã tập trung thực hiện nhiệm vụ khôi phục, cải tạo XHCN, từng bước phát triển kinh tế - xã hội như tiến hành cải tạo ruộng đất, xây dựng 25 hợp tác (HTX) xã nông nghiệp với 95% số hộ vào HTX; điển hình là HTX Đồng Lực có năng suất lúa đạt 6,5 tấn/ha, được Nhà nước tặng huân chương lao động hạng Ba và hạng Nhì. Cùng với nông nghiệp năm 1958, Việt Trì có 10 HTX TTCN với 751 xã viên, thu hút 600 người buôn bán nhỏ vào các cơ sở kinh tế quốc doanh, dịch vụ. Được Trung ương Đảng và Chính phủ chọn làm điểm xây dựng khu công nghiệp. Ngày 28/11/1958, đồng chí Lê Thanh Nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ đặt nhát cuốc đầu tiên khởi công xây dựng khu công nghiệp Việt Trì - khu công nghiệp đầu tiên của Miền Bắc có vai trò quan trọng của nền kinh tế quốc dân.
Ngày 13/4/1959, trong khi hơn 4.000 cán bộ, công nhân đang khẩn trương thi công công trường, Bác Hồ đã về thăm công trường lần thứ 2 và căn dặn: "Đây là khu công nghiệp đầu tiên của nước ta. Xưa các Vua Hùng đã chọn làm nơi đóng đô dựng nước. Nay ta xây dựng Đất Tổ thành một khu công nghiệp to lớn, làm cơ sở của chủ nghĩa xã hội. Từ đây ta sẽ bắt đầu cho công cuộc xây dựng to lớn của cả đất nước. Vinh dự này là thuộc về các cô, các chú đang xây dựng Đất Tổ". Những lời căn dặn của Bác là nguồn động viên to lớn đối với cán bộ, công nhân hăng hái thi đua lao động, riêng nhân dân Việt Trì đã đóng góp 1.300 nghìn ngày công xây dựng khu công nghiệp. Ngày 18/3/1962, khu công nghiệp đã khánh thành đi vào hoạt động và là cơ sở vật chất của một đô thị mới. Đến năm 1968, thành phố trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật của Tỉnh.
Khi giặc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc, Việt Trì là một trong những trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ. Đặc biệt từ năm 1965 đến 1972, Việt Trì nhiều lần là mục tiêu trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ như Cầu Việt Trì, cảng Bến Gót, khu công nghiệp. Trong khói lửa chiến tranh ác liệt, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã lãnh đạo nhân dân “vừa kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vừa tiếp tục xây dựng CNXH”; Việt trì đã huy động trên 5 nghìn DQTV và nhân dân gần 2.300 ngày công đào 294 nghìn m3 hầm hào, đắp ụ pháo ở 2 trận địa, đào phá 45 quả bom nổ chậm, mở 140 km đường, mở thêm phà, bắc thêm cầu; vận chuyển 312.219 lượt ô tô và hơn 3 triệu lượt người, hàng chục vạn tấn hàng qua sông phục vụ giao thông chiến đấu. Phát huy truyền thống “quyết chiến, quyết thắng” quân và dân Việt Trì đoàn kết một lòng kiên cường bám máy, bám lò, vừa sản xuất, vừa phục vụ chiến đấu. Các lực lượng vũ trang thành phố đã hiệp đồng chặt chẽ, dũng cảm chiến đấu, góp phần xứng đáng cùng nhân dân cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
3.3. Thời kỳ thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN (1976 - 1985)
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, nhân dân Việt Trì bước vào thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ hai, lần thứ ba, giành được những kết quả to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội; sản xuất nông nghiệp phát triển khá; công nghiệp được đẩy mạnh.
Năm 1979, chiến tranh biên giới xảy ra, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã huy động hàng ngàn thanh niên hăng hái lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Năm 1981, thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động, các hợp tác xã nông nghiệp đã tích cực tổ chức cho nhân dân sản xuất. Kinh tế gia đình phát triển, đời sống nhân dân từng bước ổn định; văn hoá, giáo dục, y tế có điều kiện phát triển; công tác xây dựng đảng được quan tâm, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được nâng lên.
3.4. Thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (từ năm 1986 đến nay)
Năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và Nhân dân thành phố Việt Trì tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, xây dựng và phát triển thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh; năm 2004 Việt Trì đã được Chính phủ công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Phú Thọ. Đặc biệt từ năm 2010 đến nay, cả hệ thống chính trị thành phố đã quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng đề ra. Năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Thành phố, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Việt Trì được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, công nhận Việt Trì là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Phú Thọ, sớm hơn 3 năm so với kế hoạch, phấn đấu xây dựng Việt Trì cơ bản trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Về kinh tế: Kinh tế phát triển toàn diện, duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; khâu đột phá về phát triển dịch vụ đạt kết quả khá nhất (năm 2015 tỷ trọng ngành dịch vụ đạt 44,67%). Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã huy động cả hệ thống chính trị và Nhân dân cùng tham gia; đến nay toàn thành phố có 06/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn được lãnh đạo thực hiện theo hướng công khai, minh bạch.
Khâu đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung chỉ đạo và có bước phát triển đáng kể; các tuyến đường nội thành, các tuyến quốc lộ, cầu và đường đối ngoại được đầu tư xây dựng như đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Quốc lộ 2, Quốc lộ 32c, cầu Hạc Trì…; hạ tầng kinh tế kỹ thuật được chú trọng đầu tư đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố. Hạ tầng đô thị, hạ tầng phục vụ du lịch được đầu tư xây dựng nổi bật như quảng trường Hùng Vương, Công viên Văn Lang…
Thành phố đã tích cực triển khai có hiệu quả Quy chế quản lý đô thị năm 2013 và thực hiện “Năm văn minh đô thị 2016”, nhiều khu vực đô thị được chỉnh trang, nâng cấp; trật tự đô thị được tăng cường quản lý chặt chẽ, ý thức chấp hành của nhân dân dần đi vào nề nếp; diện mạo đô thị được đổi mới theo hướng văn minh, hiện đại. Các đề án, dự án trọng điểm được triển khai gắn với thực hiện đề án xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam và hoàn chỉnh quy hoạch chung thành phố Việt Trì đến năm 2030.
Về văn hóa - xã hội: Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được mở rộng và phát triển theo hướng hiện đại. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo đạt nhiều kết quả khá; Việt Trì luôn là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh và trong tốp đầu các đô thị cùng loại về số lượng và chất lượng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu… Hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao có nhiều khởi sắc, hai di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh đó là Hát Xoan Phú Thọ - Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại luôn được chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị. Đồng thời Thành phố quan tâm đầu trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, duy trì và phát triển các Lễ hội truyền thống, lễ hội đường phố… phục vụ hoạt động du lịch, gắn với Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng; hàng năm thu hút trên 6 triệu lượt khách, doanh thu hoạt động du lịch đạt trên 720 tỷ đồng. An sinh xã hội luôn được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 giảm còn 1,27%; các đối tượng chính sách, thương binh, gia đình liệt sĩ được quan tâm thăm hỏi kịp thời, đầy đủ; các hoạt động nhân đạo từ thiện được duy trì và phát triển.
Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; công tác nội chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí có chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng theo hướng nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, tỷ lệ TCCS đảng TSVM đạt cao (gia đoạn 2011 - 2015 đạt 79,14/%/năm); vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng được phát huy. Đẩy mạnh việc quán triệt, học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các Nghị quyết của Đảng trong các cấp, các ngành một cách hiệu quả, thiết thực. Hoạt động của chính quyền các cấp tiếp tục được đổi mới, hiệu lực, hiệu quả quản lý được nâng lên đáp ứng yêu cầu phát triển Thành phố trong tình hình mới.
III. PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG VẺ VANG VỮNG BƯỚC TIẾN VÀO THỜI KỲ MỚI
Nghị quyết Đại Hội Đảng bộ thành phố Việt Trì lần thứ XX nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định: Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện công cuộc đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; nâng cao trình độ, tinh thần trách nhiệm và nếp sống văn minh, văn hóa của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; khai thác, sử dụng hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của thành phố, Đảng bộ Thành phố quyết tâm tập trung lãnh đạo thực hiện ba khâu đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng; phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và xây dựng đô thị văn minh, văn hóa; huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, xây dựng Việt Trì cơ bản trở thành Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Do đó, từ nay đến năm 2020, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Việt Trì quyết tâm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp sau:
Một là, phát triển toàn diện các ngành, lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế đảm bảo tốc độ tăng giá trị tăng thêm bình quân hàng năm đạt 8%/năm; giá trị tăng thêm bình quân/người đạt 105 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Hai là, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư xã hội, tạo động lực phát triển.
Ba là, xây dựng Đô thị văn minh, văn hóa gắn với mục tiêu xây dựng Việt Trì trở thành Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Bốn là, phát triển giáo dục và đào tạo, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ có trình độ cao.
Năm là, phát triển sự nghiệp văn hóa, thông tin, thể thao. Đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Sáu là, Phát triển các dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội. Nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Thường xuyên quan tâm chăm lo các đối tượng, gia đình chính sách và người có công.
Bảy là, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh cải cách tư pháp, tích cực thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Tám là, tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, tính tiên phong, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nhằm củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, chính quyền. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ tổ chức đảng xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm đạt trên 95%.
Chín là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Tiếp tục đổi mới hoạt động của Hội đồng nhân dân và nâng cao năng lực quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân các cấp.
Kỷ niệm 55 năm thành lập thành phố là dịp để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Việt Trì ôn lại truyền thống hào hùng 55 năm xây dựng và phát triển; quảng bá thành tựu, hình ảnh, văn hoá, con người thành phố Việt Trì; cổ vũ và nâng cao hơn nữa ý chí phấn đấu tự lập, tự cường, tranh thủ mọi thời cơ vượt qua mọi thách thức xây dựng thành phố Việt Trì giàu đẹp, văn minh, xứng tầm đô thị loại I và dần trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
.