Đình Cổ Tích dưới chân núi Hùng
Cập nhật ngày: 11/05/2017 10:43
Đình Cổ Tích (hay còn gọi Đình Cả, Đình Trình Đền Hùng) tọa lạc dưới chân núi Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1993. Theo truyền thuyết, vào cuối thời Hùng Vương có ông nghè He vốn là tướng của Vua Hùng lập nghiệp, dựng làng ở ngay chân núi Nghĩa Lĩnh, để tưởng nhớ công ơn của vị tướng tài, dân làng đã tôn ông làm Thành Hoàng, lập đền thờ phụng cùng với các Vua Hùng.

Đình Cổ Tích là một trong những ngôi đình có tiếng của các xã vùng ven Đền Hùng còn giữ tục thờ cúng Hùng Vương. Hy Cương vốn là mảnh đất thiêng, nơi đây khi xưa có 3 thôn: Cả, Trẹo, Vi. Thôn Cả - thôn đứng đầu trong xã, sau này, đến thời nhà Nguyễn, thôn Cả được đổi tên thành thôn Cổ Tích và Đình Cả cũng được đổi tên theo danh gọi địa phương. Đình Cổ Tích có vai trò lớn trong đời sống tâm linh của người dân, là nơi tổ chức những nghi lễ quan trọng trong vùng và diễn ra lễ hội làng. Theo tục "con trưởng tạo lệ", Đình Cổ Tích là điểm xuất phát trong lễ rước kiệu chính lên Đền Thượng vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch. Ngoài ra, hàng năm tại Đình còn diễn ra 6 kỳ lễ chính: Lễ cầu đầu xuân năm mới, lễ cầu vào hạ, lễ hạ điền, lễ cúng cơm mới, lễ tạ ơn, báo lễ Vua Hùng... không chỉ thu hút nhân dân trong vùng mà còn là điểm dừng chân của du khách thập phương mỗi khi về thăm Đền Hùng.

Khác với các địa phương khác, người chăm lo hương khói trong Đình không cố định 1 người mà sẽ được lựa chọn trong số các vị cao niên, tinh thông lễ nghĩa trong làng. Theo lệ từ xưa đến nay, người được chọn trông coi hương khói Đền Thượng trong mùa giỗ trước sẽ trở thành thủ từ tại Đình. Năm nay, ông Nguyễn Xuân Sang được chọn làm thủ từ, Ông cho biết: Gốc tích của ngôi đình này vốn có từ thời Hùng Vương được địa phương và nhân dân trong xã gìn giữ, trùng tu, tôn tạo Đình Cổ Tích hiện còn lưu giữ nhiều đạo sắc phong qua các thời kỳ. Đây không chỉ là nơi nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, mà còn có ý nghĩa gắn kết cộng đồng, hun đúc truyền thống, đạo lý "uống nước nhớ nguồn", hướng về nguồn cội tổ tiên, qua những tập tục, nghi lễ được tổ chức tại Đình đã góp phần khơi gợi những giá trị văn hóa đặc trưng, tôn vinh "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...

Nguồn PTO