Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2017: Đưa di sản trở về với cộng đồng
Cập nhật ngày: 06/04/2017 10:07
Trong di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, Đền Hùng và ngày giỗ Tổ Hùng Vương là biểu tượng của tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày lễ trọng mang bản sắc văn hóa sâu sắc và độc đáo của dân tộc Việt Nam, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và biết ơn công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Từ hàng ngàn đời nay, người Việt đã lập đền thờ và thờ cúng các Vua Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra, còn có rất nhiều đình, đền, miếu… thờ cúng Hùng Vương, vợ con, tướng lĩnh thời các Vua Hùng ở Phú Thọ và nhiều tỉnh trong cả nước. Hằng năm, trong những ngày giỗ Tổ, triệu triệu lượt đồng bào mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, dù ở nơi đâu vẫn hướng về đất Tổ, cùng hành hương về Đền Hùng thành kính tri ân công đức các Vua Hùng, thể hiện đức tin về Tổ tiên, thắp nén tâm nhang cầu mong cho đất nước luôn thái bình, thịnh trị và muôn dân được ấm no, hạnh phúc.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Đinh Dậu 2017 do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì và có sự tham gia góp giỗ của 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Bình, Bình Phước và Bến Tre. Lễ hội diễn ra trong 6 ngày, từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 6 tháng 4 năm 2017 (tức từ ngày mùng 5 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch) trong phạm vi Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì; các xã, phường vùng ven Đền Hùng; các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó trung tâm là Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và thành phố Việt Trì. Với mục tiêu xây dựng và tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng trở thành lễ hội mẫu của cả nước, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực tập trung chỉ đạo đảm bảo lễ hội được tổ chức chu đáo, an toàn với phần lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc; phần hội với các hình thức hoạt động vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa dân gian và hiện đại, tạo sức lan tỏa rộng rãi và sự hài lòng cho đồng bào, du khách thập phương về viếng thăm Mộ Tổ.

 

Trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã và đang nỗ lực để đưa di sản trở về với cộng đồng, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của cộng đồng cũng như giúp cộng đồng - những chủ thể của di sản hiểu rõ vai trò của mình trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản vùng đất Tổ. Để sự tham gia của cộng đồng có hiệu quả, trước tiên, cần có sự đồng thuận một cách tự nguyện của cộng đồng. Thuận lợi nhất trong bảo tồn lễ hội của đồng bào hiện nay là ý thức của người dân đang dần được nâng cao, người dân có khả năng bảo tồn, tái tạo lễ hội và thực hành các nghi lễ. Ban tổ chức khuyến khích người dân chủ động, tự nguyện tham gia vào các hoạt động tại giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng để gìn giữ, bảo tồn những giá trị di sản.

 

Sau khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO vinh danh, lượng khách hành hương về Đền Hùng thắp hương bái Tổ những năm gần đây tăng hơn trước. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, cùng thời điểm tỉnh Phú Thọ thay mặt đồng bào cả nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, các địa phương ở Phú Thọ và các tỉnh thành trong cả nước có đền thờ Hùng Vương và các tướng lĩnh thời đại Hùng Vương cũng đồng loạt làm lễ dâng hương, tri ân công đức các bậc tiền nhân có công mở núi, đắp nền, dựng nên bờ cõi, thể hiện tinh thần gắn kết cộng đồng, sự đoàn kết dân tộc và là một phần cốt lõi không thể thiếu trong Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Để việc thực hành nghi lễ được thống nhất, tỉnh Phú Thọ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện nghiên cứu Hán Nôm điều tra, nghiên cứu nguồn thư tịch như sắc phong, ngọc phả, thần tích tại các di tích thờ Hùng Vương, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn các tỉnh để làm căn cứ chuẩn hóa nghi lễ thờ cúng Hùng Vương để thực hành tại các di tích thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và các di tích thờ cúng Hùng Vương trên cả nước. Từ nguồn kinh phí của Nhà nước và nguồn xã hội hóa, Phú Thọ cũng thực hiện khôi phục, tu bổ các di tích tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thuộc các xã vùng ven Đền Hùng và trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo không gian thiêng cho quần chúng nhân dân thực hành, tổ chức các nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đúng với nghi thức truyền thống. Qua đó, đã huy động sự tham gia tối đa của cộng đồng trong việc giữ gìn, sáng tạo và chuyển giao di sản, nhưng cũng vừa nâng cao năng lực quản lý của chính quyền các cấp trong việc bảo vệ di sản, để việc bảo tồn Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành hình mẫu trong công tác quản lý, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống.

 

Những năm gần đây, tỉnh Phú Thọ chủ trương xã hội hóa và mở rộng quy mô rước kiệu ở các xã vùng ven Khu Di tích lịch sử Đền Hùng trong dịp giỗ Tổ. Hoạt động này không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống từ nghìn năm nay của người dân Đất Tổ mà còn có ý nghĩa sâu sắc nhằm tôn vinh giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, góp phần nâng cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và lòng tôn kính đối với tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Và quan trọng hơn cả, đó là việc phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn giá trị của tín ngưỡng. Các địa phương có nguyện vọng tham gia rước kiệu đăng ký với Ban tổ chức sắp xếp thời gian, tạo điều kiện về an ninh trật tự và hỗ trợ một phần kinh phí cho các đơn vị tham gia rước kiệu theo đúng nghi thức truyền thống của mỗi vùng. Việc xã hội hóa nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng thực hiện trên tinh thần tự nguyện, tự giác của người dân. Nhân dân các xã, phường tham gia không chỉ đóng góp bằng công sức, trực tiếp biểu diễn, mà có thể chỉ là sự chủ động trong vai trò khán giả thưởng thức, hưởng ứng. Điều này cho thấy, mỗi một hoạt động trong nghi lễ thờ cúng Hùng Vương đều là sự chung tay của mọi người dân, thể hiện rõ tính cộng đồng và luôn được gìn giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và trở thành bản sắc văn hóa - tín ngưỡng đặc sắc kết nối giữa quá khứ với hiện tại, có ý nghĩa vun đắp tình cảm gia đình, làng xã, cộng đồng và đất nước.

 

Trong các hoạt động để đưa di sản về với cộng đồng, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ hết sức chú trọng đến việc bảo tồn, phát huy và đưa Hát Xoan lan tỏa và có sức sống bền vững trong cộng đồng. Sức sống trường tồn của Hát Xoan trong đời sống hiện nay thông qua việc phát triển các câu lạc bộ, những người yêu thích và công chúng của Hát Xoan. Hiện Phú Thọ đã có có lực lượng nghệ nhân kế cận đông đảo với 62 người có thể diễn xướng và truyền dạy các làn điệu Xoan cổ; hơn 30 CLB Xoan với trên 1.200 thành viên; 100% các trường học trên địa bàn thành phố Việt Trì đưa Hát Xoan vào giảng dạy… Các di tích liên quan tới Hát Xoan đã và đang được khôi phục, tu bổ, tôn tạo, đáp ứng yêu cầu về không gian diễn xướng của Hát Xoan và trao cho cộng đồng quyền quản lý. Đồng thời đã bước đầu phục hồi các tập tục và một số không gian trình diễn Hát Xoan tại cộng đồng. Điều này đã đem lại niềm hân hoan, phấn khởi cho các phường Xoan và người dân địa phương. Cùng với đó, Lễ hội văn hóa dân gian đường phố Việt Trì năm 2017 cũng được tổ chức hướng về cộng đồng. Toàn bộ sự kiện do gần 2.000 người dân của 23 phường, xã thành phố Việt Trì và các huyện Lâm Thao, Thanh Thủy, Đoan Hùng tham gia biểu diễn. Lễ hội hướng đến mục tiêu thể hiện sức mạnh cộng đồng làng xã, vùng miền, phản ánh rõ nét văn hóa truyền thống đặc sắc của từng địa phương, góp phần tạo thêm nhiều mảng màu tươi sáng trong bức tranh tổng quát về văn hóa dân gian thành phố Việt Trì nói riêng và của tỉnh Phú Thọ nói chung. Các hoạt động khác như: Lễ hội Bơi Chải truyền thống trên sông Lô; trình diễn diễn xướng dân gian… đã và đang thể hiện rõ nét mục tiêu đưa di sản về với cộng đồng.

 

Hơn 90 triệu đồng bào trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài đang cùng chung ý nguyện hướng về ngày giỗ Tổ với niềm tự hào về những giá trị riêng biệt đã làm nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam qua bao thời đại. Trong những ngày giỗ Tổ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lại tiếp tục được trao truyền, nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ Việt Nam, vun đắp truyền thống đại đoàn kết và các giá trị Việt Nam trong thời đại mới./.

Hà Kế San - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh