Nét khác biệt của lễ hội văn hóa dân gian đường phố Việt Trì lần này so với các lễ hội khác mang đậm chất dân gian, nêu bật những nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của thành phố Việt Trì nói riêng và vùng Đất Tổ nói chung. Toàn bộ sự kiện do gần 2.000 người đại diện các tầng lớp nhân dân thành phố và các huyện: Lâm Thao, Thanh Thủy, Đoan Hùng trình diễn. Đặc biệt, năm nay 22 xe tham gia diễu hành với các mô hình biểu trưng về thời đại Hùng Vương và xây dựng, phát triển của thành phố được Việt Trì giao về cho các phường, xã trên địa bàn thực hiện theo chủ trương xã hội hóa. Tính đến thời điểm này, các địa phương đều đang khẩn trương hoàn thành sự chuẩn bị của mình, sẵn sàng tham gia Lễ hội. Có thể thấy, mỗi mô hình là một sự sáng tạo, độc đáo gửi gắm tất cả tâm huyết, trí tuệ của người dân để làm nên một Lễ hội dân gian đường phố Việt Trì lộng lẫy, lung linh sắc màu.
Tại UBND xã Sông Lô một ngày cuối tháng 3/2017, các nghệ nhân đã tập trung đầy đủ làm mô hình mang biểu tượng Voi 9 ngà, Gà 9 cựa, Ngựa 9 hồng mao để tham gia Lễ hội dân gian đường phố 2017. Mỗi người một việc, mọi người đều hăng hái, khẩn trương lắp ghép các bộ phận của mô hình, hoàn thiện những khâu cuối cùng. Anh Đặng Văn Đô -thợ điêu khắc ở khu 8, xã Sông Lô chia sẻ: "Là người con Sông Lô, tôi rất vui và tự hào khi được đóng góp công sức của mình vào tạo mô hình để xã mình tham gia lễ hội. Tôi cùng các thợ điêu khắc trong xã đang cố gắng hết sức để hoàn thành mô hình theo đúng yêu cầu của Ban Tổ chức."Ông Nguyễn Cao Khải - Phó Chủ tịch UBND xã Sông Lô cho biết: "Khi được thành phố giao xây dựng mô hình Voi 9 ngà, Gà 9 cựa, Ngựa 9 hồng mao, chúng tôi đã tích cực vận động các cơ quan doanh nghiệp trên địa bàn và các nhóm thợ thủ công cùng vào cuộc với địa phương để xây dựng xe mô hình. Chúng tôi đã bàn bạc, nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân và nhanh chóng bắt tay vào làm mô hình để tham gia lễ hội"
Còn tại phường Gia Cẩm - một trong những phường trung tâm của thành phố được giao xây dựng mô hình tượng Cha Rồng, Mẹ Tiên. Ngay khi được Ban tổ chức lễ hội dân gian đường phố Việt Trì 2017 giao nhiệm vụ, cấp ủy, chính quyền địa phương đã nhanh chóng phối hợp với đơn vị tạo hình thực hiện công việc khẩn trương và nghiêm túc. Ông Bùi Văn Hương - Chủ tịch UBND phường Gia Cẩm cho biết: "Chúng tôi đã nghiên cứu và tìm hiểu về hình mẫu Cha Rồng, Mẹ Tiên sao cho phù hợp và đúng với nguyên tác lịch sử. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, chúng tôi thống nhất xây dựng mô hình theo nguyên mẫu được trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương"
Cùng với việc xây dựng và hoàn thiện cũng như kiểm duyệt chặt chẽ chế tác các xe mô hình, trong những ngày này, tại Sân vận động Bảo Đà, các nhóm trình diễn dân gian của thành phố Việt Trì cũng đang tích cực luyện tập. Theo kế hoạch, nhóm trình diễn dân gian của thành phố Việt Trì gồm 350 người, đi sau các xe mô hình và tái diễn những động tác minh họa trong các tích, các trò dân gian truyền thống vùng Đất Tổ và sự phát triển của thành phố Việt Trì như: Vua Hùng dạy dân cấy lúa; đâm đuống, rước Rải, hóa Rải; cướp bông ném chài; bơi chải… Mỗi thành viên của các đội hình trình diễn văn hóa dân gian Lễ hội dân gian đường phố Việt Trì 2017 đã sắp xếp thời gian của mình để tham gia luyện tập đầy đủ.
Để lễ hội dân gian đường phố thành công, Ban tổ chức Lễ hội dân gian đường phố Việt Trì đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài tỉnh để mỗi phần trình diễn đều mang đậm tính nghệ thuật nhưng cũng tái hiện thực chất nhất những nội dung cần truyền tải, đó là tôn vinh các giá trị văn hóa của thành phố Việt Tì nói riêng và vùng Đất Tổ nói chung. Ông Ngô Thanh Toán - Trưởng đoàn nghệ thuật Chèo tỉnh Phú Thọ, Tổng đạo diễn chương trình trình diễn văn hóa dân gian chia sẻ: "Chúng tôi cử 8 người gồm đạo diễn, huấn luyện viên để tham gia luyện tập cho các đội. Đồng thời chúng tôi cũng chia thành ekip khác nhau hướng dẫn các đội luyện tập. Việc tập luyện được chia ra thành nhóm lẻ sau đó hợp lại theo kịch bản đã quy định"
Với sự luyện tập chu đáo của các nhóm trình diễn văn hóa dân gian và sự chuẩn bị công phu các xe mô hình của các đơn vị, tính đến ngày 28/3 tức ngày mùng 1 tháng 3 năm Đinh Dậu việc luyện tập cũng như xây dựng các xe mô hình đã cơ bản hoàn thiện, sẵn sàng cho ngày tổng duyệt 31/3 và lễ hội chính thức tối 1.4 tức ngày mùng 5 tháng 3 âm lịch; đây cũng là cơ hội quảng bá hình ảnh và truyền thống văn hóa, lịch sử của Việt Trì nói riêng, tỉnh Phú Thọ nói chung với bạn bè trong và ngoài nước.