ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 70 NĂM BÁC HỒ VỀ Ở VÀ LÀM VIỆC TẠI XÃ CHU HÓA - THÀNH PHỐ VIỆT TRÌ (19/03/1947 - 19/03/2017)
Cập nhật ngày: 20/03/2017 16:37
1. Bối cảnh lịch sử Cuối năm 1946, thực dân Pháp ngang nhiên vi phạm những điều đã cam kết với Chính phủ ta trong Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3 và Tạm ước ngày 14/9. Chúng đã không chịu ngừng bắn ở Nam bộ; Ngày 20/11/1946, quân đội pháp đã đánh chiếm Hải Phòng và Lạng Sơn, hai cửa ngõ đường thủy và đường bộ vào Việt Nam; cho quân đổ bộ lên Đà Nẵng. Những hành động đó báo hiệu cuộc chiến tranh lan rộng ra toàn quốc đã gần kề. Ngày 19/12/1946 đứng trước nguy cơ tái xâm lược của thực dân Pháp Hồ Chủ Tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng muốn cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào,

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu tổ quốc, ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước. Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến.

Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta! Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm”.

 Để đảm bảo an toàn, các cơ quan lãnh đạo chủ chốt của Trung ương Đảng và Chính phủ bí mật rời khỏi Thủ đô Hà Nội lên Việt Bắc chỉ đạo cuộc kháng chiến.

Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến, nhận định Phú Thọ là tỉnh gần Thủ đô Hà Nội lại là nơi có phong trào quần chúng tốt, đường lối ra vào thuận tiện nhưng kín đáo, bảo đảm được bí mật nên được Trung ương chọn làm nơi sơ tán của cơ quan Trung ương Đảng, Hội đồng chính phủ và nhiều kho tàng, trường học cùng hàng vạn đồng bào các tỉnh bạn bị địch tạm chiếm tản cư đến.

Đầu tháng 12/1946, đồng chí Trần Đăng Ninh, phụ trách Đội công tác Trung ương về Phú Thọ trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy chuẩn bị sẵn một số địa điểm để Bác Hồ và cơ quan Trung ương đến ở và làm việc khi cần thiết. Thực hiện chỉ thị cấp trên, Tỉnh ủy Phú Thọ cùng với cán bộ chủ chốt các huyện Tam Nông, Cẩm khê, Lâm Thao, Đoan Hùng đã khẩn trương chuẩn bị. Lúc đầu địa điểm được bố trí ở nhiều nơi như: Tam Nông có 2 địa điểm là xóm Ghềnh (Ba Triệu) và  xóm Đồi (làng Cổ Tiết); Cẩm Khê có 2 địa điểm là Cát Trù và Đồng Lương; Lâm Thao và Đoan Hùng mỗi huyện cũng chuẩn bị 2 địa điểm; riêng ở Cát Trù, Tỉnh ủy còn cho làm một ngôi nhà lá kín đáo trong khu vực có cây cối rậm rạp. Mọi địa điểm đều được đồng chí Trần Đăng Ninh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ xem xét cẩn thận và quyết định chọn 3 điểm ở xã thuộc 3 huyện khác nhau, đó là xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông; xã Chu Hóa, huyện Lâm Thao; và xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng để đặt địa điểm đón Bác đến ở và làm việc.

Đầu năm 1947, một vinh dự lớn đối với Đảng bộ và Nhân dân Phú Thọ đã được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở và làm việc gần một tháng trên đường Người từ Hà Nội lên Việt Bắc cùng Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo toàn dân kháng chiến; từ ngày 19/3 đến ngày 29/3/1947 Bác đã ở và làm việc tại xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì.

 Chu Hóa là địa phương  giàu truyền thống yêu nước, lòng tự cường dân tộc, là điểm đến an toàn cho các cơ quan lãnh đạo của tỉnh, huyện và đồng bào các địa phương khác đến sơ tán, tản cư. Trong thời gian 11 ngày ở Chu Hoá Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo được bố chí ở nhà cụ Nguyễn Văn Sỹ, ngôi nhà ở sườn đồi thoáng mát đảm bảo an toàn, bí mật. Mặc dù phải đảm bảo an toàn, bí mật nên Bác đã không trực tiếp gặp cán bộ, đảng viên và nhân dân Chu Hóa nhưng Bác vẫn thường xuyên nghe báo cáo về tình hình mọi mặt diễn ra ở địa phương và có những ý kiến chỉ đạo đoàn cán bộ giúp đỡ nhân dân Chu Hóa. Vì vậy, đường lối kháng chiến của Đảng cũng như những lời động viên, chỉ bảo của Bác đã được các đồng chí trong đoàn công tác trực tiếp tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ và nhân dân địa phương.

Thời gian ở và làm việc ở Chu Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ đã được cán bộ, nhân dân bảo vệ đảm bảo an toàn, bí mật tuyệt đối và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều Sắc lệnh, soạn thảo nhiều văn kiện, viết nhiều thư, điện gửi cán bộ, chiến sỹ, nhân dân; tại đây, Người đã viết xong tác phẩm “Đời sống mới” làm tài liệu hướng dẫn và tuyên truyền cuộc vận động xây dựng nếp sống mới; chủ trì một số cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng và Hội đồng Chính Phủ; viết thư cảm ơn đồng bào và trịnh trọng hứa: “Chính phủ quyết làm tròn nhiệm vụ kháng chiến cứu quốc, quyết không phụ lòng trông cậy của quốc dân, và quyết tranh lấy quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”; viết thư gửi báo Vệ Quốc Quân, nên rõ nhiệm vụ của tờ báo là nâng cao tinh thần và kỷ luật cho bộ đội, giáo dục bộ đội thực hiện 12 điều kỷ luật được Người nêu cụ thể trong thư; gửi điện biểu dương tinh thần bền bỉ hy sinh chiến đấu của đồng bào Nam Bộ và Miền Nam trung bộ, nhân dịp 100 ngày toàn quốc kháng chiến…

Từ những quyết sách, chủ trương và các tác phẩm chứa đựng tư tưởng sáng suốt, tài tình trong thời gian làm việc tại Chu Hóa cùng với quá trình hoạt động cách mạng sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" giải phóng hoàn toàn miền Bắc, xây dựng hậu phương lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - “Đại thắng mùa Xuân năm 1975”giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là thắng lợi bước đầu với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cách mạng Việt Nam, nền tảng cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế mà hiện nay nhân dân ta đang tiến hành.

2. Thực hiện lời căn dặn của Bác

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Đảng bộ và Nhân dân Phú Thọ tình cảm quan tâm đặc biệt. Người đã nhiều lần đi thăm, làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, công trường, hợp tác xã, đơn vị vũ trang...; viết nhiều bài báo, gửi thư khen ngợi, biểu dương các phong trào của Tỉnh...Việt Trì là một trong những địa phương của tỉnh có được vinh dự đó. Khắc ghi lời căn dặn của Bác khi Người về thăm công trường xây dựng khu công nghiệp Việt Trì ngày 13/4/1959: “Đây là khu công nghiệp đầu tiên của nước ta. Xưa các Vua Hùng đã chọn làm nơi đóng đô dựng nước. Nay ta xây dựng Đất Tổ thành một khu công nghiệp to lớn, cơ sở của chủ nghĩa xã hội... Vinh dự này là thuộc về các cô, các chú đang xây dựng Đất Tổ”, Đảng bộ và Nhân dân  thành phố Việt Trì đã khắc phục khó khăn, gian khổ, đẩy mạnh lao động sản xuất, tích cực chiến đấu bảo vệ quê hương, vừa tích cực đóng góp sức người, sức của chi viện cho chiến trường, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước...

Hơn 30 thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng khởi xướng vào năm 1986, Đảng bộ và Nhân dân xã Chu Hóa đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, quyết tâm vượt qua khó khăn thử thách xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay Chu Hóa đã từng bước thay da đổi thịt, đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Đảng bộ xã Chu Hóa luôn nỗ lực phấn đấu để trở thành đơn vị trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là một trong những nơi có di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Phát huy truyền thống Thành phố Anh hùng, thực hiện lời căn dặn của Bác, Việt Trì nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới,...quyết tâm đưa thành phố Việt Trì - thành phố đô thị loại I ngày càng giàu đẹp, văn minh từng bước trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, là một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục - đào tạo của khu vực Trung du miền núi phía Bắc.

Năm 2016, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế thành phố tăng trưởng khá toàn diện, đạt 9,6%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỷ trọng nông - lâm nghiệp - thủy sản giảm còn 2,24%, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ tăng lên chiếm 97,76%. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, cận đô thị, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ sinh học trong sản xuất; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục đạt được mức tăng trưởng khá. Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, chất lượng từng bước được nâng lên cơ bản đáp ứng nhu cầu của sản xuất và đời sống của Nhân dân.

Hạ tầng kinh tế kỹ thuật được chú trọng đầu tư đồng bộ, các tuyến đường giao thông nội thành, các tuyến quốc lộ, cầu và các tuyến đường đối ngoại được đầu tư xây dựng như: Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Quốc lộ 2, Quốc lộ 32C, cầu Hạc Trì, cầu Văn Lang, đường Phù Đổng; hệ thống giao thông nội thị được phát triển nhanh góp phần mở rộng không gian đô thị, giao thông nông thôn được kiên cố hóa đạt 73,69%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 69,28%, các tuyến đường chính đô thị được chiếu sáng 100%. Hạ tầng các ngành dịch vụ, du lịch được tăng cường đầu tư như: Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng; Quảng trường Hùng Vương, công viên Văn Lang…Trên cơ sở triển khai tích cực, hiệu quả “Năm trật tự văn minh đô thị 2016” nhiều khu vực được chỉnh trang, nâng cấp; trật tự đô thị được tăng cường quản lý chặt chẽ đảm bảo yêu cầu về mỹ quan đô thị.

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, đến nay toàn thành phố có 06/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 04 xã còn lại cơ bản đạt từ 15 tiêu chí nông thôn mới trở lên.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được đầu tư mở rộng và phát triển theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo đạt nhiều kết quả đáng khích lệ; qui mô, mạng lưới trường lớp thường xuyên được đầu tư, chất lượng dạy và học được nâng lên; Việt Trì luôn là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh và trong tốp đầu các đô thị cùng loại về số lượng và chất lượng học sinh giỏi học sinh năng khiếu…góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, các chương trình y tế được triển khai hiệu quả, cơ sở vật chất, chất lượng khám chữa bệnh có nhiều tiến bộ, hiện nay toàn thành phố đã có 14/23 phường, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn II.

Hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao có nhiều khởi sắc, đời sống tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Toàn thành phố có 225/225 khu dân cư có nhà văn hóa (đạt tỷ lệ 100%). Thành phố luôn chú trọng bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa truyền thống vùng đất Tổ như “Hát Xoan Phú Thọ”“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, tổ chức lễ hội văn hóa dân gian đường phố; tích cực quảng bá tiềm năng du lịch và các sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc của thành phố Việt Trì; khẳng định nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trong việc xây dựng Việt Trì trở thành Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

An sinh xã hội, giải quyết việc làm luôn được đảm bảo; tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 còn 1,27%; các đối tượng chính sách, thương binh, gia đình liệt sĩ được quan tâm chăm sóc thường xuyên và đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình trong khu vực. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng và thường xuyên đổi mới.

Đặc biệt, phát huy những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Đảng bộ thành phố tiếp tục triển khai học tập, quán triệt sâu rộng, thiết thực Chỉ thị 05 - CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu “Tự diễn biến”, “tự suy thoái” trong nội bộ tạo sức lan tỏa và sự đồng thuận trong toàn xã hội, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành công việc tự giác, thường xuyên và là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, góp phần xây dựng Đảng bộ Thành phố trong sạch, vững mạnh.