Bộ Tư Pháp: “Pháp luật về hòa giải ở cơ sở”
Cập nhật ngày: 28/04/2016 14:42
Để giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột xã hội, có nhiều phương thức khác nhau như: thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án... Ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, hòa giải đều được thừa nhận và khuyến khích phát triển. Đặc biệt ở Việt Nam, xuất phát từ những đặc điểm lịch sử, truyền thống, tâm lý, hòa giải được xem là phương án tối ưu để giải quyết xích mích, mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân…

Trong nhiều năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm duy trì, củng cố và phát triển. Ngày 20/6/2013, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở (thay thế Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1998). Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014.

Theo quy định tại Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở, hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Hòa giải viên đóng vai trò trung gian hướng dẫn, giúp đỡ các bên mâu thuẫn, tranh chấp tự nguyện thỏa thuận giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phù hợp với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội.

Gương sáng hòa giải viên

Trong cuộc thi Gương sáng tư pháp năm 2015 do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức đã có nhiều bài viết về gương sáng của các hòa giải viên trên mọi miền đất nước, bài viết về “Bà Toán hòa giải” của tác giả Mai Huệ là một ví dụ.

Gần 70, nhưng bà Tạ Thị Toán, Tổ trưởng tổ hoà giải 21, phường Chăm Mát, Thành phố Hòa Bình, tỉnh Hoà Bình, trẻ hơn nhiều so với tuổi. Bà được người dân nơi đây yêu mến, gắn cho tên gọi “Người của hòa thuận”.

Tổ 21, nơi bà Toán sinh sống, đất rộng nhưng cằn cỗi. Thu nhập của người dân chủ yếu từ làm vườn, chăn nuôi nên cuộc sống bấp bênh, khiến người ta dễ bí bức, dễ phát sinh mâu thuẫn... Về hưu, bà được bầu làm Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ 21. Bà sống gương mẫu, hòa đồng với mọi người nên xóm giềng có chuyện buồn, chuyện vui, đều gặp bà giãi bày, chia sẻ. Ban đầu, việc hoà giải của bà chỉ là gặp gỡ đôi bên có mâu thuẫn, khuyên họ điều hay, lẽ phải. Khi Tổ hoà giải được UBND phường công nhận "danh chính, ngôn thuận", bà càng nhiệt tình hơn. Nhiều vụ việc mất đoàn kết kéo dài từ trong gia đình đến xóm giềng, gây bức xúc trong nhân dân, bà Toán đã cùng với thành viên Tổ hoà giải, Chi hội phụ nữ, Cựu chiến binh tìm hiểu kỹ nguyên nhân, giải quyết dứt điểm để giữ đoàn kết trong tổ. Điển hình như:

Vụ mâu thuẫn giữa hai nhà liền kề, thân nhau lắm, một ngày kia bỗng chửi nhau ầm ĩ, rồi gây thương tích cho nhau. Công an phường có mặt, hai bên phải ký biên bản để bồi thường, nhưng mâu thuẫn vẫn âm ỉ kéo dài mấy năm. Thì ra, hơn hai chục năm trước, đất ở đây rẻ, chưa có "bìa đỏ", nên việc mua bán cũng đơn giản. Chủ đất chỉ đo đại khái, viết giấy bán 500 m(không qua UBND phường), khi cắm mốc còn cho thêm nhiều m2. Năm 2000, Nhà nước kiểm đếm để cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, bên bán thấy bên mua ghi diện tích hơn 600m2, cũng không có ý kiến gì. Khi giá đất từ chỗ 50.000 đồng/m2, nay tăng gấp 7, 8 lần nên bên bán muốn đòi lại phần đất trước đây đã "cho". Bên mua vội xây nhà, bên bán cũng xây tường, mâu thuẫn cứ nóng hừng hực. Sau khi tìm hiểu kỹ vụ việc, tổ hoà giải 21 đề nghị UBND phường cử cán bộ địa chính đến cùng giải quyết. Lý và tình được đưa ra: Giấy mua bán hai bên thoả thuận viết tay từ năm 1984, không có dấu và chữ ký của cơ quan có thẩm quyền, chỉ dùng để tham khảo. Bên mua được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2000, bên bán đã biết, giờ mới đòi lại đất là sai. Ranh giới hai bên đã xây nhà, tường rào được công nhận là đúng. Cho đến giờ, mặc dù hai gia đình chưa nối lại tình cảm như xưa, song cũng không cãi nhau nữa…

Vụ gần nhất, tranh chấp giữa hai gia đình về quyền sở hữu cây gỗ lát trên rẻo đất giáp ranh (không thuộc đất hai nhà, cũng không được thể hiện trên bản đồ địa chính của phường). Sau khi tìm hiểu, gặp gỡ, trao đổi với các bên tranh chấp, tổ hòa giải 21 đưa ra phương pháp giải quyết là: Thời gian trồng cây hai bên đưa ra khác nhau, nên mời Kiểm lâm đến xác định tuổi cây, chính xác với thời gian trồng cây của ai, người đó được nhận cây gỗ, người kia phải trả chi phí xác định tuổi cây. Nếu cả hai đều đưa ra tuổi cây không chính xác, thì cùng chịu phí tổn và không ai được sở hữu cây gỗ… Sau khi nghe phương pháp tổ hòa giải nêu ra, hai bên không tranh chấp nữa mà quay ra cùng xin mua cây gỗ để sử dụng (tiền bán gỗ tặng 2 tổ dân phố làm quỹ). Để tránh phát sinh mâu thuẫn mới, tổ hoà giải mời người thứ 3 đến mua gỗ (thu tiền mặt tại chỗ được 1.650.000 đồng, chuyển luôn cho 2 tổ dân phố) và giám sát việc chặt gỗ. Vậy là hết tranh chấp.

Nói về "bí quyết" hoà giải, bà Toán cho rằng: “bí quyết thật đơn giản”. Đó là hoà giải viên phải có hiểu biết nhất định về pháp luật, nắm được tâm lý của đối tượng mà mình sẽ tiếp xúc khi hoà giải; nắm rõ bản chất của sự việc mâu thuẫn, đặc biệt phải công tâm, khách quan khi hoà giải thì các bên tranh chấp mới "tâm phục, khẩu phục" mà hóa giải mâu thuẫn". Nghe đơn giản vậy, nhưng để có kết quả hoà giải thành công các vụ việc này, bà Toán và tổ hoà giải đã mất rất nhiều công sức, mà nếu không tâm huyết, chắc sẽ không có kết quả đáng khích lệ đến vậy. Sự đóng góp của bà Toán đã được UBND phường, UBND thành phố Hoà Bình ghi nhận, khen thưởng. Năm 2008, bà được UBND tỉnh Hoà Bình tặng Bằng khen về thành tích 10 năm thực hiện tốt công tác hoà giải (1999-2008).

Cũng như bà Toán, Ông Nguyễn Văn Trung ở tỉnh Bắc Giang cũng là một hòa giải viên tích cực. Là người chiến sỹ từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa, sau giải phóng ông Nguyễn Văn Trung về làm giảng viên giảng dạy tại Học viện Hậu Cần. Năm 1986, về công tác tại Quân Khu 1. Năm 1992, về nghỉ chế độ tại địa phương. Với kinh nghiệm và vốn sống phong phú, sự trải nghiệm của mình, một lần ông đã được dòng họ giao nhiệm vụ giải quyết chuyện mâu thuẫn vợ chồng của người cháu, phân tích thiệt hơn cho vợ chồng người cháu về những thiệt hại, tổn thất do ly hôn để cả 2 cùng suy nghĩ. Hôm đó có mặt cả đồng chí Trưởng thôn ở đó và ông “tình cờ” trở thành hoà giải viên từ ấy.

Ở thôn Hậu, xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang không ai không biết đến “Trung voi” người ta gọi ông với cái tên trìu mến ấy vì ông là người có dáng vóc cao to vạm vỡ, mỗi lần ông xuất hiện ở đâu là ở đó ồn ào nhộn nhịp, vui vẻ hẳn lên. 18 năm làm công tác hoà giải ông không quản nắng mưa, gió bão với tấm lòng đầy nhiệt huyết cùng niềm đam mê công việc ông đã đem đến niềm vui cho bao người, bao gia đình, dòng họ. Hàng năm, ông hoà giải thành từ 7 đến 10 vụ việc, trong đó có rất nhiều vụ việc phức tạp nhưng với lòng nhiệt tình, yêu nghề, tận tụy trong công tác hoà giải là nghị lực cho ông và Tổ hoà giải luôn thành công trong các vụ hoà giải góp phần giữ vững an ninh trật tự ở địa phương.

Sinh năm 1953, ông là tổ trưởng tổ hoà giải thôn Hậu, xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang từ năm 1992 đến nay. Ngồi nghe ông kể chuyện hoà giải tôi thấy mắt ông sáng lên niềm vui, ông nói rằng làm công tác hoà giải phải tế nhị hài hoà, hợp tình hợp lý như vậy sẽ khiến các bên tranh chấp như được xoa dịu không khí căng thẳng. Ông bộc bạch với tôi về những thuận lợi, khó khăn của nghề hoà giải: Công việc của tôi nghe đơn giản vậy thôi nhưng khi vào cuộc thì không hề đơn giản chút nào vì ở cơ sở tâm lý “hơn thua” và tâm lý “dòng họ” còn rất nặng nề. Người xưa thường nói “thấy ăn thì đến thấy đánh thì đi” thế mà công việc của tôi thì ngược lại. Từ câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị cán bộ Tư pháp toàn quốc năm 1951: “Các cô chú xét xử đã tốt rồi nếu không phải xét xử thì sẽ càng tốt hơn” nên hễ ở đâu có to tiếng mâu thuẫn, xích mích là tôi tìm đến để hoà giải, hoặc có vụ việc gì đó mới manh nha hình thành là chúng tôi cũng tìm đến tìm cách giải quyết với tâm lý “ việc lớn thành việc nhỏ, việc nhỏ thành không có gì”.

Trong quá trình hoà giải ông luôn vận dụng những phong tục tập quán của địa phương, những quy ước của làng xóm không trái với quy định của pháp luật và những hiểu biết về pháp luật có liên quan bằng lời nói nhẹ nhàng đầy sức thuyết phục, giải thích có lý có tình nhằm thuyết phục 2 bên đi đến thoả thuận vui vẻ. Không chỉ dừng lại ở đó trong từng trường hợp cụ thể ở những tình huống, vụ việc hoà giải ông Trung đúc kết ra kinh nghiệm: “Gặp những vụ việc có mâu thuẫn lớn, tôi đến tận nhà tiến hành hoà giải đơn phương để tìm ra nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và nguyện vọng của các bên, tôi đưa vấn đề ra thảo luận với các thành viên trong Tổ hoà giải để cùng đưa ra kế hoạch hoà giải cho sát với vụ việc như thế sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Đối với những vụ việc xúc phạm danh dự nhân phẩm của nhau khi đưa ra hoà giải 2 bên thường nói xấu nhau, không bên nào chịu nhận lỗi hoà giải thường khó thành. Rút kinh nghiệm những vụ việc này ông sẽ nhờ những người có uy tín trong dòng họ hoặc những người cao tuổi 2 bên cùng tham gia hoà giải thì vụ việc sẽ đạt kết quả cao hơn. Ông cũng chia sẻ: Các mâu thuẫn phát sinh trong thực tế rất đa dạng phong phú và rất phức tạp. Trong các vụ hoà giải các bên đều cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm và không bên nào chịu nhận lỗi. Tuy nhiên trên thực tế cho thấy nếu tổ hoà giải nắm rõ các quy định của pháp luật vừa vận dụng tình cảm thuyết phục, tình làng nghĩa xóm để khuyên nhủ vừa phân tích cái đúng cái sai, cái thiệt cái hơn cũng như đọc các điều khoản quy định của pháp luật về việc đó cho họ nghe thì sẽ giúp họ đi đến thoả thuận. Ông nói rằng càng gắn bó lâu với nghề ông càng thấy yêu nó hơn và cũng trăn trở hơn vì ông thấy xã hội càng phát triển mâu thuẫn phát sinh càng nhiều, hàng ngày ông chứng kiến cảnh tranh chấp đất đai, tranh chấp trong chia thừa kế, hôn nhân rạn nứt, tệ nạn xã hội, mâu thuẫn từ những điều nhỏ nhặt ở thôn, xóm… ông càng nhủ lòng phải cố gắng hơn nữa trong công việc để đem bình yên đến với xóm làng. Ngồi nghe ông Trung nói tôi có cảm nhận hình như việc hoà giải đã ăn sâu vào con người ông, gắn bó máu thịt với ông, mọi kinh nghiệm tâm huyết đều xuất phát từ lòng yêu công việc và con người.

Từ những lời bộc bạch của ông Trung mới thấy hết được sự vất vả của người làm hoà giải, cho thấy mỗi vụ việc hoà giải thành là sự khẳng định phương pháp hoà giải đúng, sự vận dụng đầy đủ linh hoạt của pháp luật vào cuộc sống cũng như thái độ nhẹ nhàng, ôn hoà đúng mực đặc biệt là xuất phát từ tình cảm, lòng nhân ái bao dung vì sự bình yên của xóm làng.

Quy định của pháp luật về nguyên tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở và phạm vi hòa giải ở cơ sở.

Theo quy định tại Điều 4 Luật Hòa giải ở cơ sở, tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

(1) Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở.

(2) Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và người cao tuổi.

(3) Khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên.

(4) Tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.

(5) Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

(6) Không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự.

Ngoài ra, theo Điều 3 Luật Hòa giải ở cơ sở, Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở, việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật sau đây:

(1) Mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác);

(2) Tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất;

(3) Tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn;

(4) Vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính;

(5) Vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp sau đây:

Không bị khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

Pháp luật quy định chỉ khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, nhưng người bị hại không yêu cầu khởi tố và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

Vụ án đã được khởi tố, nhưng sau đó có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng về đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

(6) Vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính như nhắc nhở, quản lý tại gia đình;

(7) Những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm.

Đồng thời, Luật Hòa giải ở cơ sở cũng quy định các trường hợp không được tiến hành hòa giải bao gồm:

(1) Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;

(2) Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giả như kết hôn trái pháp luật, giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội;

(3) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính;

(4) Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật, cụ thể như:

Hòa giải tranh chấp về thương mại được thực hiện theo quy định của Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Hòa giải tranh chấp về lao động được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo quy định tại Điều 16 Luật Hòa giải ở cơ sở, hòa giải ở cơ sở được tiến hành khi có một trong các căn cứ sau đây:

(1) Một bên hoặc các bên yêu cầu hòa giải;

(2) Hòa giải viên chứng kiến hoặc biết vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải;

(3) Theo phân công của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thứ hai, về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hòa giải

Nhằm bảo đảm nguyên tắc tôn trọng sự tự nguyện của các bên, phát huy tính tích cực, chủ động, hợp tác của các bên trong quá trình hòa giải, Điều 17 Luật Hòa giải ở cơ sở quy định các bên trong hòa giải có quyền và nghĩa vụ sau:

(1) Lựa chọn, đề xuất hòa giải viên, địa điểm, thời gian để tiến hành hòa giải.

(2) Đồng ý hoặc từ chối hòa giải; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải.

(3) Yêu cầu việc hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai. 

(4) Được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung giải quyết hòa giải.

(5) Trình bày đúng sự thật các tình tiết của vụ, việc; cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan.

(6) Tôn trọng hòa giải viên, quyền của các bên có liên quan.

(7) Không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa điểm hòa giải.

Thứ 3, về tiến hành hòa giải

Hòa giải được tiến hành trực tiếp, bằng lời nói với sự có mặt của các bên. Trong trường hợp các bên có người khuyết tật thì có sự hỗ trợ phù hợp để có thể tham gia hòa giải. Hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai theo ý kiến thống nhất của các bên. Trường hợp các bên ở thôn, tổ dân phố khác nhau thì tổ hòa giải ở thôn, tổ dân phố đó phối hợp thực hiện việc hòa giải và thông báo với Trưởng ban công tác Mặt trận tại nơi đó cùng phối hợp thực hiện.

Tùy thuộc vào vụ, việc cụ thể, trên cơ sở quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân, hòa giải viên áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm giúp các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ, việc để các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.

Trong quá trình hòa giải, nếu thấy cần thiết, hòa giải viên và một trong các bên khi được sự đồng ý của bên kia có thể mời người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc; đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc người có uy tín khác tham gia hòa giải.

Trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Hòa giải viên có trách nhiệm ghi nội dung vụ, việc hòa giải vào Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Trường hợp các bên đồng ý thì lập văn bản hòa giải thành.

Hòa giải viên có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành do mình trực tiếp giải quyết.

Những chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở; Trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Theo Điều 5 Luật Hòa giải ở cơ sở, để duy trì và phát triển tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, Nhà nước có các chính sách sau đây:

(1) Khuyến khích các bên giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng hình thức hòa giải ở cơ sở và các hình thức hòa giải thích hợp khác.

Khuyến khích những người có uy tín trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư tham gia hòa giải ở cơ sở và tham gia các hình thức hòa giải thích hợp khác.

(2) Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở.

(3) Tạo điều kiện, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở; khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Theo quy định tại Điều 30 Luật Hòa giải ở cơ sở, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; vận động tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở; phối hợp kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia tổ chức thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

Các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

Quy định của pháp luật về hòa giải viên

Luật Hòa giải ở cơ sở quy định người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn sau đây:

- Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư;

- Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật

Theo quy định tại Điều 9 của Luật Hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên có các quyền sau đây:

(1). Thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở.

(2). Đề nghị các bên có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến vụ, việc hòa giải.

(3). Tham gia sinh hoạt, thảo luận và quyết định nội dung, phương thức hoạt động của tổ hòa giải.

(4). Được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải; được cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động hòa giải.

(5). Hưởng thù lao theo vụ, việc khi thực hiện hòa giải.

(6). Được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

(7). Được hỗ trợ, tạo điều kiện để khắc phục hậu quả nếu gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải.

(8). Kiến nghị, đề xuất về các vấn đề liên quan đến hoạt động hòa giải.

Theo quy định tại Điều 10 của Luật Hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên có các nghĩa vụ sau đây:

(1). Thực hiện hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật..

(2). Tuân thủ các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

(3). Từ chối tiến hành hòa giải nếu bản thân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hòa giải hoặc vì lý do khác dẫn đến không thể bảo đảm khách quan, công bằng trong hòa giải.

(4). Thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có biện pháp phòng ngừa trong trường hợp thấy mâu thuẫn, tranh chấp nghiêm trọng có thể dẫn đến hành vi bạo lực gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của các bên hoặc gây mất trật tự công cộng.

(5). Thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý trong trường hợp phát hiện mâu thuẫn, tranh chấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về hình sự.”

Theo quy định tại Điều 11 của Luật Hòa giải ở cơ sở, việc thôi làm hòa giải viên được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

(1). Theo nguyện vọng của hòa giải viên;

(2). Hòa giải viên không còn đáp ứng một trong các tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở;

(3). Vi phạm nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở hoặc không có điều kiện tiếp tục làm hòa giải viên do bị xử lý vi phạm pháp luật.

Quy định của pháp luật về Tổ hòa giải

Tổ hòa giải là tổ chức tự quản của nhân dân được thành lập ở thôn, xóm, làng bản, ấp, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố) để thực hiện hoặc tổ chức thực hiện việc hòa giải theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở.

Tổ hòa giải có tổ trưởng và các hòa giải viên. Mỗi tổ hòa giải có từ 03 hòa giải viên trở lên. Tổ hòa giải phải có hòa giải viên nữ; đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tổ hòa giải cần có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định số lượng tổ hòa giải, hòa giải viên trong một tổ hòa giải căn cứ vào đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội, dân số của địa phương và đề nghị của Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

Theo quy định tại Điều 13 Luật Hòa giải ở cơ sở, tổ hòa giải có trách nhiệm sau đây:

(1). Tổ chức thực hiện hòa giải.

(2). Tổ chức trao đổi kinh nghiệm, thảo luận các giải pháp để tiến hành hòa giải vụ, việc phức tạp.

(3). Phối hợp với Ban công tác Mặt trận, Chi hội phụ nữ, Chi đoàn thanh niên, Chi hội cựu chiến binh, Chi hội nông dân, Chi hội người cao tuổi, các tổ hòa giải và tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.

(4). Kiến nghị với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Uỷ ban nhân dân cấp xã về hoạt động hòa giải ở cơ sở, các điều kiện cần thiết cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.

(5). Đề nghị khen thưởng tổ hòa giải, hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải.

Ngoài các quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên, Tổ trưởng tổ hòa giải có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

(1). Phân công, phối hợp hoạt động của các hòa giải viên;

(2). Đại diện cho tổ hòa giải trong quan hệ với Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong thực hiện trách nhiệm của tổ hòa giải;

(3). Đề nghị cho thôi làm hòa giải viên;

(4). Báo cáo kịp thời với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp thấy mâu thuẫn, tranh chấp nghiêm trọng có thể dẫn đến hành vi bạo lực gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của các bên hoặc gây mất trật tự công cộng hoặc trong trường hợp phát hiện mâu thuẫn, tranh chấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về hình sự.

(5). Báo cáo hằng năm và báo cáo đột xuất về tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải với Ủy ban nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã;

(6). Phối hợp với tổ trưởng tổ hòa giải khác để trao đổi kinh nghiệm hoặc tiến hành hòa giải những vụ, việc liên quan đến các thôn, tổ dân phố khác nhau.

Hệ thống tổ chức tổ hòa giải ở cơ sở trên cả nước và tại địa bàn (tỉnh, thành phố hoặc xã, phường, thị trấn…)

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, mạng lưới tổ hòa giải, đội ngũ hòa giải viên từng bước được củng cố, kiện toàn. Đến nay, hầu hết các thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố trong cả nước đều đã thành lập tổ hòa giải để hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, đến hết tháng 10/2014, cả nước có 120.894 tổ hòa giải được thành lập tại 142.183 thôn, tổ dân phố với 663.250 hòa giải viên. Tính đến tháng 10/2014, theo báo cáo thống kê của 55/63 tỉnh, thành phố, số hòa giải viên nữ là 174.932/592.468 (chiếm 30%); số hòa giải viên là người dân tộc thiểu số là 122.922/540.934 (chiếm 23%). Hầu hết hòa giải viên nhiệt tình, trách nhiệm, am hiểu phong tục, tập quán địa phương, có kinh nghiệm sống phong phú, có thái độ công tâm, khách quan vì lợi ích cộng đồng và tích cực trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Chỉ tính riêng mười tháng đầu năm 2014, đội ngũ hòa giải viên đã tiếp nhận 167.782 vụ việc; trong đó hoà giải thành 151.104 vụ việc, đạt 77%. Hòa giải không chỉ góp phần giải quyết có hiệu quả các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật ngay tại cơ sở, tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của Nhà nước, nhân dân, mà còn trực tiếp góp phần củng cố tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân; duy trì và phát huy đạo lý truyền thống tốt đẹp, thuần phong, mỹ tục của dân tộc; phát huy quyền làm chủ; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận, ổn định xã hội để phục vụ phát triển đất nước.

Nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ hòa giải thành cao như Hà Nội, Thanh Hóa, An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hà Nội, Hải Dương, Kiên Giang, Nghệ An, Phú Thọ, Thái Bình, Tuyên Quang…

Tuy nhiên, hoạt động hòa giải ở cơ sở cũng còn một số hạn chế như: Ở nhiều nơi, hoạt động hòa giải ở cơ sở chủ yếu vẫn dựa trên uy tín, kinh nghiệm sống và kiến thức hiểu biết xã hội của hòa giải viên, hòa giải viên chưa nắm chắc pháp luật trong hòa giải vụ việc. Tình trạng vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở vẫn còn xảy ra tương đối nhiều nhất là tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một số vụ việc tuy không thuộc phạm vi hòa giải nhưng vẫn hòa giải làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật. Hoạt động hòa giải đôi khi còn mang tính hình thức, chiếu lệ, thụ động, thậm chí hành chính hóa (hòa giải viên yêu cầu các bên phải có đơn đề nghị mới tiếp nhận và tiến hành hòa giải). Nhiều mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở không được hòa giải viên chủ động hòa giải, dẫn đến các bên tranh chấp khiếu kiện trực tiếp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Có không ít mâu thuẫn, tranh chấp không được hòa giải kịp thời đã làm cho tình hình trở lên nghiêm trọng, gay gắt, xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự, sức khỏe, tính mạng của các bên, gây mất trật tự công cộng, làm tổn hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Những hạn chế nêu trên cần tiếp tục được khắc phục trong thời gian tới, để công tác hòa giải ở cơ sở thực sự phát huy tác dụng và ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong đời sống cộng đồng.

 

Trích “Nội dung chương trình phát thanh chuyên đề “Pháp luật về hòa giải cơ sở” tháng 11/2015” của Bộ Tư pháp.