Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
Cập nhật ngày: 26/08/2016 21:07
Phú Thọ là một tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, có diện tích tự nhiên 3.534,6 km2; trong đó diện tích miền núi là 3.359,2 km 2 , chiếm tỷ lệ 91,1% trên diện tích toàn tỉnh. Phú Thọ có 13 đơn vị hành chính cấp huyện, với tổng số 277 đơn vị xã, phường, thị trấn, trong đó có 218/277 xã, thị trấn miền núi, với 2.186 thôn, bản miền núi; 43 xã và 190 thôn bản được hưởng chương trình 135 của Chính phủ.

Xác định công tác PBGDPL (phổ biến giáp dục pháp luật) cho sinh viên người DTTS (dân tộc thiểu số) có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo trực tiếp Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tỉnh, các huyện, thành, thị uỷ, các Đảng bộ trực thuộc, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị trường học xây dựng Nghị quyết, Thông tri, Chỉ thị, Kế hoạch tổ chức tuyên truyền, PBGDPL cho sinh viên người DTTS trực tiếp tại cộng đồng dân cư, cơ quan, trường học. Trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp trong công tác PBGDPL cho sinh viên người DTTS; phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của hội đồng phối hợp công tác PBGDPL… tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của sinh viên người DTTS trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Tính đến nay, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng được một hệ thống các cơ quan làm công tác PBGDPL cho sinh viên người dân tộc thiểu số với đầy đủ thành phần, cơ cấu từ tỉnh đến cấp xã và trong các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục. Đội ngũ cán bộ quản lý công tác PBGDPL và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cho sinh viên người DTTS đông đảo và có trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của tỉnh do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh là Chủ tịch Hội đồng, thành viên là đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, đoàn thể, Sở Tư pháp là cơ quan Thường trực Hội đồng. Hội đồng làm nhiệm vụ chỉ đạo công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh. Hội đồng phối hợp PBGDPL của các huyện, thành, thị có từ 23-29 thành viên/huyện với tổng số thành viên là 338 người. Ở cấp xã, Hội đồng có từ 05 đến 09 thành viên. Nhiều cơ quan, đơn vị, trường học tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban/Tổ tuyên truyền pháp luật..

Đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh có 54 người, báo cáo viên pháp luật cấp huyện là 104 người, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã là 2.628 người. Đội ngũ cán bộ quản lý công tác PBGDPL gồm 418 người.

Cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện phục vụ công tác PBGDPL cho sinh viên người DTTS được chú trọng, quan tâm đầu tư. Tủ sách pháp luật đã được xây dựng ở 277 xã, phường, thị trấn, 145 thôn, làng, tổ dân phố, 795 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học. Báo Phú Thọ được phát hành đến chi bộ và trường học, là một trong những hình thức, công cụ phổ biến pháp luật có hiệu quả rất tốt trên địa bàn tỉnh. Hệ thống Đài phát sóng FM của Đài PT-TH tỉnh và Đài truyền thanh cấp huyện đã được nâng cấp. Hệ thống truyền thanh cấp xã đã được quan tâm, nhiều xã đã được lắp đặt đài FM. Ngoài ra, tỉnh còn có một hệ thống các bản tin, tập san, tờ tin phong phú do các ngành, đoàn thể biên tập, in ấn, xuất bản để tuyên truyền các nội dung pháp luật và tình hình thực thi pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, …

Tỉnh Phú Thọ đã có trang thông tin điện tử của tỉnh, của một số ngành; Cổng giao tiếp điện tử, Trang thông tin điện tử công bố các văn bản QPPL của tỉnh Phú Thọ. Hầu hết các ngành, đoàn thể, UBND cấp huyện đã đầu tư mua sắm và nâng cấp các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác PBGDPL: máy vi tính, máy in, máy phô tô, máy chiếu…, đã kết nối mạng Internet. Một số UBND phường, thị trấn đã có máy vi tính và kết nối mạng Internet.

Qua đó, chỉ tính đến hết năm 2015, tỉnh Phú Thọ đã đạt được nhiều kết quả vượt bậc trong công tác PBGDPL cho sinh viên người DTTS. Điều đó thể hiện qua việc tổ chức thành công nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật với quy mô toàn tỉnh, tạo nên những cuộc sinh hoạt chính trị - pháp lý có sức lan tỏa trong cộng đồng và sinh viên người DTTS. Ngày Pháp luật được triển khai nền nếp với nhiều hoạt động hưởng ứng ở nhiều cấp, ngành, cơ sở giáo dục và đặc biệt đã xây dựng được mô hình triển khai Ngày Pháp luật gắn liền với hoạt động văn hóa ở trường học, có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa Ngày Pháp luật trở nên gần gũi hơn với sinh viên người DTTS... Để đạt được hiệu quả của công tác PBGDPL là quá trình lâu dài, mặt khác còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng đến nay có thể khẳng định PBGDPL đã góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức cũng như trong hành động chấp hành pháp luật của sinh viên người DTTS; sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình. PBGDPL bước đầu có tác dụng làm cho sinh viên người DTTS ý thức được trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của mình, hướng dẫn họ tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Sinh viên người DTTS không chỉ từng bước chủ động tìm hiểu pháp luật mà còn tự giác đóng góp các ý kiến phản ánh tâm tư nguyện vọng của mình trong quá trình thực hiện pháp luật. Với sự hỗ trợ của hoạt động PBGDPL, sinh viên người DTTS đã và đang phát huy tính chủ động trong tham gia QLNN; đóng góp các ý kiến xây dựng chủ trương, chính sách lớn của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chính sách dân tộc; tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, đấu tranh chống  các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần giữ gìn ổn định trật tự và an toàn xã hội. Công tác PBGDPL đã thực sự góp phần phát huy quyền làm chủ của sinh viên người DTTS, đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Nhìn chung, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền PBGDPL cho sinh viên các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; từng bước đổi mới về tư duy kinh tế, tích cực phát triển kinh tế hộ gia đình; đời sống vật chất, tinh thần từng bước được cải thiện. Tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc và miền núi được duy trì và giữ vững.

Tuy nhiên hoạt động PBGDPL cho sinh viên người DTTS hiện nay mới chỉ tập trung vào các luật và pháp lệnh, chưa thực sự chú trọng vào các văn bản hướng dẫn thi hành; Lực lượng thực hiện công tác PBGDPL cho sinh viên người DTTS, đặc biệt là ở cơ sở còn thiếu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế và chưa đồng đều. Kinh phí phục vụ cho công tác PBGDPL cho sinh viên người DTTS còn hạn hẹp. 

Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên người DTTS thực hiện có hiệu quả hơn nữa. Thiết nghĩ phải có sự quan tâm của lãnh đạo các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ sâu sát của chính quyền các cấp, sự phấn đấu nỗ lực của tất cả các ban, ngành, đoàn thể và sự tự giác chấp hành pháp luật của mỗi sinh viên người DTTS. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, mục đích, ý nghĩa của công tác tuyên truyền PBGDPL cho sinh viên người DTTS trong giai đoạn hiện nay, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc và miền núi được duy trì và phát triển.

Bùi Thanh Hùng(Trường Dự bị ĐHDTTW)