Tăng cường quản lý sinh viên người DTTS ở các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và thành phố Việt Trì
Cập nhật ngày: 10/08/2016 20:58
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có có 13 trường cao đẳng, đại học do địa phương và Trung ương quản lý. Bao gồm 2 trường Đại học, 4 trường cao đẳng trực thuộc tỉnh, 07 trường cao đẳng trực thuộc Bộ, ngành Trung ương. Trong đó chủ yếu là các trường đóng trên địa bàn thành phố Việt Trì.

Với mục tiêu định hướng xây dựng Phú Thọ trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh và khu vực miền núi Tây Bắc; trong nhiều năm qua, các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và thành phố Việt Trì đã không ngừng được đầu tư nâng cấp, mở rộng ngành, nghề đạo tạo và đã thu hút đông đảo sinh viên các vùng, miền trong và ngoài tỉnh về học, trong đó có khoảng 15% sinh viên người DTTS của tỉnh Phú Thọ và các tỉnh miền núi phía Bắc. Về qui mô đào tạo của các trường cao đẳng, đại học trong 10 năm qua liên tục tăng số sinh viên đại học. Chỉ tính những năm gần đây số sinh viên tăng lên nhanh chóng. Nếu như năm 2005 có 2.209 người, năm 2010 có 5.340 người, thì đến năm 2015 có 10.006 người và hàng năm tuyển mới trên 3.400 sinh viên. Số sinh viên cao đẳng nếu năm 2005 có 8.447 người, năm 2010 có 15.843 người, thì đến năm 2015 có 10.757 người và hằng năm tuyển mới trên 3.800 sinh viên.

Với số lượng sinh viên tăng nhanh, đòi hỏi công tác quản lý, giáo dục toàn diện cho sinh viên được Đảng ủy, Ban Giám hiệu các trường cao đẳng, đại học thường xuyên quan tâm. Đặc biệt là sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương nên đa số các trường đã triển khai thực hiện đầy đủ nội dung đào tạo theo qui chuẩn qui định của Bộ giáo dục đào tạo và các Bộ, ngành chủ quản, đảm bảo kết hợp giáo dục đào tạo kiến thức với giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống; tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy đảng, các văn bản pháp luật đến cán bộ, giảng viên và cho sinh viên, nhất là sinh viên người DTTS nhằm nâng cao nhận thức và sớm khắc phục mọi khó khăn để hòa nhập với môi trường đào tạo, đồng thời có giải pháp phòng tránh những tác động tiêu cực của đời sống xã hội đến bản thân.

Trong những năm qua, các trường Cao đẳng, đại học như: Trường Đại học Hùng Vương, Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì, Trường Cao đẳng nghề công nghệ và Nông - Lâm Phú Thọ, trường Cao đẳng Dược, trường Cao đẳng Công nghiệp Quốc phòng, trường Cao đẳng kinh tế - Kỹ thuật Phú Thọ, trường Cao đẳng nghề cơ điện Phú Thọ đã chú trọng gắn nội dung pháp luật vào công tác giảng dạy, đảm bảo số tiết học pháp luật của mỗi khóa học; đồng thời phát huy vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên trong công tác giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho sinh viên người DTTS; thường xuyên phối hợp tổ chức nhiều hoạt động như tổ chức Hội thảo, Tọa đàm... về các chủ đề liên quan đến pháp luật cũng như chế độ, chính sách đối với sinh viên người DTTS nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL trong sinh viên người DTTS. Hàng năm, tổ chức “Tuần sinh hoạt công dân” cho sinh viên mới nhập trường, trong đó chú trọng đến quyền, nghĩa vụ của sinh viên người DTTS. Phối hợp với chính quyền, đoàn thể tại địa phương quản lý việc tạm trú tại nơi ở trọ của sinh viên đặc biệt là đối với sinh viên người DTTS.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, tăng cường và nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đã thực hiện việc giảng dạy các nội dung về pháp luật theo đúng qui định Chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc các chương trình pháp luật dành riêng cho các trường dạy nghề do Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động  Thương binh và Xã hội xây dựng. Trong quá trình giảng dạy, các trường đã thường xuyên rà soát, chỉnh lý, bổ sung cập nhật các nội dung pháp luật theo quy định pháp luật mới ban hành để hoàn thiện chương trình môn học, các bộ giáo trình, sách giáo khoa môn học pháp luật; đồng thời tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật, phương pháp giảng dạy pháp luật và bổ sung các tài liệu tham khảo, tài liệu hướng dẫn giảng dạy và học tập môn pháp luật để sinh viên dễ tiếp cận và hứng thú với việc học tập môn pháp luật, góp phần nâng cao ý thức pháp luật của người học, hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong sinh viên, nhất là sinh viên người DTTS. 

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các trường đại học, cao đẳng với các ngành chức năng của tỉnh và thành phố được tăng cường hơn; hầu hết các trường đã quan tâm xây dựng các quy chế phối hợp, trong đó có nội dung trao đổi thông tin, tuyên truyền, phổ biến cho sinh viên những qui định pháp luật liên quan. Điển hình về hiệu quả công tác phối hợp là Trường đại học Hùng Vương: năm 2014, Công an tỉnh Phú Thọ và Trường Đại học Hùng Vương phối hợp triển khai mô hình “Trường học an toàn về ANTT”, qua đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL, tạo sự chuyển biến và khí thế thi đua sôi nổi trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường học đường an toàn về ANTT.

Qua công tác tăng cường quản lý sinh viên người DTTS ở các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và thành phố Việt Trì đã góp phần tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, hành động của cán bộ, giảng viên, sinh viên trong các nhà trường trong giữ gìn ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, nâng cao ý thức cảnh giác cho sinh viên người DTTS đối với âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch, không để sinh viên người DTTS bị lôi kéo vào các hoạt động vi phạm pháp luật và đã cung cấp cho lực lượng công an các cấp hàng nghìn tin liên quan đến ANTT, giúp lực lượng công an giải quyết dứt điểm 12 vụ việc về ANTT, xử lý 15 trường hợp sinh viên vi phạm pháp luật, góp phần phát hiện và giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi cộm về ANTT trên địa bàn. 

Bùi Thanh Hùng(Trường DBĐHDTTW)