Xây dựng nông thôn mới ở Sông Lô – Khi ý Đảng, lòng Dân hòa quyện
Cập nhật ngày: 30/12/2016 08:53
Nằm ở cửa ngõ phía Đông Nam, Sông Lô được biết đến là xã thuần nông của thành phố Việt Trì, nhân dân quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, dịch vụ phát triển nhỏ lẻ với muôn vàn khó khăn… Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, năm 2011, khi bắt đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Sông Lô có 12/18 tiêu chí đạt, 7 tiêu chí chưa đạt chủ yếu thuộc về cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng – những tiêu chí đòi hỏi thời gian xây dựng, cũng như nguồn lực rất lớn.

Ông Nguyễn Xuân Tám - Bí thư Đảng ủy xã Sông Lô, thành phố Việt Trì cho biết: Sông Lô là một xã thuần nông, xuất phát điểm thấp, nhận thức của nhân dân không đồng đều, khi xây dựng nông thôn mới một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại nhiều vào nhà nước. Chính từ những khó khăn như vậy nên chúng tôi xác định phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy được hiệu quả của chương trình nông thôn mới mang lại, thấy được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình để từ đó cùng chung tay, góp sức với địa phương xây dựng nông thôn mới thành công. Nhằm thay đổi nhận thức, tạo sự đồng thuận trong nhân dân đối với chương trình, trong 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, hơn 100 hội nghị triển khai, quán triệt về chương trình đã được Đảng ủy, chính quyền xã tổ chức với sự tham gia của gần 1.100 người; hàng trăm băng zôn, khẩu hiệu, pano tuyên truyền được treo khắp các đường làng, ngõ xóm. Cùng với Đảng ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể nhân dân như: Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ… cũng tích cực vào cuộc, rất nhiều phong trào thi đua góp sức xây dựng nông thôn mới đã được triển khai mạnh mẽ rộng khắp, tạo nên khí thế “người người, nhà nhà hồ hởi chung sức, bắt tay vào xây dựng nông thôn mới”. Một trong những phong trào để lại dấu ấn, được coi là điểm sáng trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại Sông Lô là phong trào hiến đất. Phong trào được coi là đỉnh cao của sự đồng thuận giữa ý Đảng, lòng dân, tạo bước đột phá cho chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Theo báo cáo, từ năm 2011 đến nay, dưới sự tuyên truyền, vận động của Đảng ủy, chính quyền địa phương, xã Sông Lô có 250 hộ dân tự nguyện hiến tặng trên 8.000m2 đất để làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa… Là một trong gần 20 hộ hiến đất canh tác làm đường giao thông, bà Nguyễn Thị Điệp phấn khởi: Khi Đảng ủy, chính quyền vận động nhân dân hiến đất, nói thật thì chúng tôi cũng tiếc nhưng thiết nghĩ suy cho cùng đoạn đường được xây dựng là để phục vụ cho chính chúng tôi nên tôi cùng các hộ dân trong khu đều tự nguyện hiến tặng đất để nhân dân đi lại được thuận tiện. Cùng quan điểm đó, ông Vũ Đức Tình - khu 2, xã Sông Lô cho biết: Là Đảng viên, phải gương mẫu đi đầu, cũng như nghĩ mình vì mọi người, mọi người vì mình. Bỏ ra một phần nhỏ của mình để cả tập thể được nhờ là phấn khởi lắm rồi.

Biết dựa vào thế mạnh của địa phương, đầu tư vào thế mạnh đó để tạo sức bật cho các tiêu chí khác là bài học trong xây dựng nông thôn mới vốn được nhiều địa phương áp dụng… và Sông Lô cũng không ngoại lệ. Lấy phát triển nông nghiệp làm chủ đạo, để có thể hoàn thành tiêu chí số 12 – tiêu chí về tỷ lệ lao động có việc làm cũng như để người dân thấy được những lợi ích mà chương trình nông thôn mới mang lại, trong 5 năm, Sông Lô đã đầu tư hơn 2 tỷ 600 triệu đồng cho phát triển sản xuất nông nghiệp với hơn chục dự án, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó nổi bật như: mô hình sản xuất rau an toàn, bưởi Diễn, chuối tiêu hồng… Nhân dân phấn khởi đón nhận dự án, đầu tư phát triển sản xuất, làm giàu cho gia đình. Nhờ đó thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm qua từng năm. Tính đến năm 2015: thu nhập bình quân đầu người là 26,4 triệu đồng/ người/ năm (tăng 7,5 triệu đồng/ người/ năm so với năm 2011), tỷ lệ hộ nghèo còn 2,11% (giảm 1,36% so với năm 2011). Ông Lê Tuấn Dũng - Trưởng khu 3, xã Sông Lô, thành phố Việt Trì chia sẻ: Với chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, không để hoang hóa đất sản xuất, 5 xây dựng nông thôn mới, từ những mô hình trồng cây ăn quả, mô hình chăn nuôi, nhân dân khu 3 đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, đời sống nhân dân đổi mới, cải thiện rõ rệt và ngày càng đi lên.

Cùng với chương trình phát triển kinh tế, bằng mọi nguồn lực, dưới sự chung sức, đồng lòng của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân Sông Lô, trong 4 năm (từ năm 2012 – 2016) cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng được xã lần lượt đầu tư xây dựng, góp phần hoàn thiện 6 tiêu chí còn lại trong bộ tiêu chí nông thôn mới. Hiện nay, xã Sông Lô có 8/8 nhà văn hóa đạt chuẩn nông thôn mới, trung bình diện tích mỗi nhà văn hóa là 300m2, khu vui chơi thể thao nhỏ nhất cũng đạt 1.500m2. Khi nhân dân có nơi sinh hoạt cộng đồng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cũng vì thế mà phát triển. Y tế, trường học được đầu tư tăng dần theo từng năm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị ngày càng hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Kết quả: 80% người dân tham gia bảo hiểm y tế, tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề ngày càng nâng cao… Trong 5 năm, xã đầu tư trên 15 tỷ đồng để cứng hóa 65,1 km đường trục chính nội đồng, 100% tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa…

Nếu ai đã từng có dịp đến Sông Lô cách đây 5 năm và bây giờ quay trở lại thì sẽ không khỏi ngạc nhiên trước sự thay da đổi thịt của vùng đất ven sông này. Sau 5 năm, Sông Lô đã thực sự chuyển mình, khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới. Hàng trăm nhà tạm, nhà dột nát đã được kiên cố hóa, 7/8 khu dân cư đạt khu dân cư văn hóa, 8/8 khu dân cư của xã đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự, hệ thống Internet đến từng đường làng, ngõ xóm, môi trường được đảm bảo, 100% hộ dân được sử dụng nước sạch và được sử dụng điện thường xuyên, an toàn… Tháng 12/2016, xã Sông Lô chính thức hoàn thành 18/18 tiêu chí nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Tảo - Chủ tịch UBND xã Sông Lô, thành phố Việt Trì nhận định:  Sau 5 năm triển khai thực hiện thì yếu tố quan trọng nhất là công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân. Ngoài ra, công tác chỉ đạo của Ban quản lý, Ban chỉ đạo nông thôn mới từ xã tới khu dân cư phải được phối hợp chặt chẽ, thống nhất. Cùng với đó, chúng tôi cũng đã xây dựng được lộ trình, với những kế hoạch, phương hướng cụ thể để từng bước xây dựng, nâng cao, duy trì các tiêu chí. Đó là những yếu tố tạo nên thành công cho chương trình nông thôn mới của Sông Lô. Đánh giá về quá trình xây dựng nông thôn mới của xã Sông Lô, đồng chí Lê Hồng Vân - Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì cho biết: Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã Sông Lô đã xây dựng được khối đoàn kết trong Đảng ủy, HĐND, UBND, trong hệ thống chính trị, cũng như giữa hệ thống chính trị với nhân dân, tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Những năm tiếp theo, Tôi đề nghị xã Sông Lô tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được. Trong đó, vẫn tập trung vào xây dựng hạ tầng kinh tế, xã hội cho hoàn chỉnh, bởi có hạ tầng, kinh tế, xã hội mới phát triển được; đối với nhân dân, Tôi đề nghị tiếp tục nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả, thu nhập cao; từ đó thực hiện mục tiêu chính của chương trình nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân...

Trở thành xã thứ 6 của thành phố đạt xã chuẩn nông thôn mới là kết quả đáng tự hào từ sự chung sức, đồng lòng của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Sông Lô. Đây sẽ là động lực để Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã tiếp tục thi đua lao động, sản xuất, đưa Sông Lô  từ một vùng quê vốn được xem là cơ hàn, vất vả vươn lên phát triển cùng với các địa phương khác của thành phố.

Thùy Dung – Minh Quang