Xã hội hóa trong xây dựng nhà văn hóa tại thành phố Việt Trì
Cập nhật ngày: 07/10/2016 14:39
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, thực hiện lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, bên cạnh nguồn ngân sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều địa phương của thành phố Việt Trì đã chủ động, linh hoạt, khéo léo trong vận động sức dân, tạo nên những nguồn lực xã hội quan trọng để sửa chữa, xây dựng nhà văn hóa tại địa phương.

Nhà văn hóa khu 2, xã Sông Lô, thành phố Việt Trì khánh thành, đưa vào sử dụng vào tháng 4 năm 2016. Công trình có tổng kinh phí xây dựng hơn 836 triệu đồng, trong đó, thành phố hỗ trợ 200 triệu đồng, ngân sách xã hơn 100 triệu đồng, còn lại là đóng góp, ủng hộ của nhân dân trên địa bàn. Đặc biệt, toàn bộ diện tích 824,6 m2 của nhà văn hóa là của 11 hộ trong khu tình nguyện hiến đất để xây dựng. Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Dinh – một trong hai hộ dân sẵn sàng dịch hàng rào, nhường đất mở rộng đường vào nhà văn hóa rất phấn khởi: Sau khi nghe các ông bà lãnh đạo trong khu trao đổi, các thành viên trong gia đình Tôi đều đồng tình nhất trí sẽ nhường một phần đất của gia đình để mở rộng đường vào nhà văn hóa, chứ đường vào nhà văn hóa trước kia chật hẹp quá. Với lại gia đình cũng nghĩ nhà văn hóa là công trình lâu đời, không chỉ có thế hệ chúng tôi mà còn các con cháu nữa cũng sẽ sinh hoạt ở đây. Để có được kết quả đó, ông Đào Văn Hiền – Bí thư chi bộ khu 2, xã Sông Lô cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đảng bộ các cấp, trong đó yêu cầu mỗi Đảng viên phải luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, hoạt động trước quần chúng nhân dân, trong quá trình vận động xây dựng nhà văn hóa, khu dân cư luôn tập trung vào đội ngũ Đảng viên đầu tiên. Từ các Đảng viên, gia đình các Đảng viên sẽ lan tỏa đến nhân dân, từ đó nhân dân sẽ tin tưởng và làm theo. 

Những năm qua, để tạo được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, huy động được sức dân trong xây dựng nhà văn hóa, song song với việc phát huy tính tiên phong, gương mẫu của Đảng viên, thì nhiều địa phương, khu dân cư trong thành phố trong quá trình triển khai vận động luôn đảm bảo sự công khai, minh bạch. Tính dân chủ này được thực hiện ngay từ những bước đầu tiên, thông qua các cuộc họp lấy ý kiến nhân dân, cũng như thường xuyên có thông báo cụ thể các nội dung trước khi triển khai thực hiện từng phần việc. Trong đó, nhiều khu dân cư đã xây dựng Bảng thông báo các khoản đóng góp, ủng hộ của nhân dân trong quá trình xây dựng treo tại nhà văn hóa như một cách công khai tài chính và cũng là để tuyên truyền cho các hoạt động về sau. Ông Nguyễn Quang Chung – Phó Chủ tịch UBND phường Minh Nông, thành phố Việt Trì khẳng định: Quá trình xây dựng nhà văn hóa ở phường Minh Nông luôn được thực hiện tuần tự theo các bước, từ xin ý kiến thành phố đến triển khai xuống khu dân cư. Trong đó, chúng tôi luôn đảm bảo thực hiện công khai từ các phần việc nhỏ nhất với nhân dân như: bản thiết kế, quá trình xây dựng, các khoản hỗ trợ, đóng góp của thành phố, UBND phường và từng cá nhân, tập thể trong cộng đồng dân cư trên tinh thần “Dân bàn, dân biết, dân kiểm tra”.

Theo thực tế xây dựng, bình quân mỗi nhà văn hóa có kinh phí xây dựng từ 700 triệu đến 800 triệu đồng. Với mức hỗ trợ 200 triệu đồng/nhà văn hóa của thành phố, chỉ tính riêng năm 2015, bằng nguồn vốn xã hội hóa, thành phố Việt Trì đã có 23/225 nhà văn hóa được sửa chữa, xây mới. Con số trên không chỉ thể hiện được sức mạnh của nhân dân trong xây dựng và phát triển; mà còn đánh dấu kết quả cho những nỗ lực trong công tác dân vận của thành phố Việt Trì trong nhiều năm qua.

Thùy Dung – Minh Chính