Về phía thành phố Việt Trì có các đồng chí: Nguyễn Huy Hoàng - Ủy viên Ban Thường Vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy; Lê Hồng Vân – Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì; Đặng Trần Minh – Phó Bí thư thường trực Thành ủy; các đồng chí thường trực Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ thành phố Việt Trì; lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc thành phố; lãnh đạo các xã, phường trên địa bàn thành phố Việt Trì.
Đúng 19h30 phút, 8 nhóm diễn gồm: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Cha rồng – mẹ Tiên, bánh chưng – bánh giầy, tinh thần thượng võ, lễ hội Tịch điền, hát Xoan, bơi chải Bạch Hạc, và Việt Trì hội nhập và phát triển đã lần lượt di chuyển từ đường Trần Phú (đoạn từ đèn đỏ Công an Tỉnh đến Ngã ba Tỉnh ủy) đến sân khấu Công viên Văn Lang. Đi đầu là nhóm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương gồm: đội múa lân, sư tử, múa rồng, xe mô hình mang Logo Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đội bát âm, đội rước kiệu xã Hùng Lô, đội Cờ hồng kỳ và cờ hội; tiếp đó là nhóm diễn Cha Rồng – Mẹ Tiên, di chuyển cuối cùng là nhóm diễn Việt Trì: Hội nhập và phát triển. Các đội rước vừa diễu hành, vừa trình diễn sinh động những tích, các trò dân gian truyền thống của từng địa phương trong thành phố Việt Trì như: Cướp Bông, ném Chài phường Vân Phú; Rước Giải - Hóa Giải, Ông Khiu - Bà Khiu xã Thanh Đình; lễ hội tịch điền ở phường Minh Nông... Cụ Nguyễn Ngọc Nên – năm nay đã 87 tuổi, thành viên trong đội rước kiệu xã Trưng Vương phấn khởi nói: Tham gia lễ hội văn hóa dân gian đường phố năm nay, xã Trưng Vương muốn truyền tải tới người dân về quần thể di tích Thiên Cổ Miếu - nơi thờ thầy giáo Vũ Thê Lang cùng phu nhân là bà Nguyễn Thị Thục, là thầy giáo của hai công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa (con gái của vua Hùng thứ 18). Thiên Cổ Miếu như một chứng tích về một nền giáo dục sớm thiết lập của dân tộc ta. Đây không phải lần đầu tiên Lễ hội văn hóa dân gian đường phố được tổ chức tại thành phố Việt Trì nhưng với quy mô tổ chức lần này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trên địa bàn thành phố, cũng như du khách thập phương. Ông Nguyễn Văn Cần – phường Tân Dân, thành phố Việt Trì cho biết: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, Tôi biết tối nay Lễ hội diễn ra rất sớm nên đã giục các cháu ở nhà nấu cơm, ăn cơm sớm để cả gia đình cùng đi xem. Ông Bùi Đình Sắt – phường Tân Dân, thành phố Việt Trì vui vẻ nói: Tôi sinh sống và làm việc mấy chục năm nay ở thành phố Việt Trì rồi nhưng cũng chưa bao giờ được chứng kiến một chương trình hoành tránh như thế này. Hi vọng những giá trị văn hóa mà lễ hội văn hóa dân gian hôm nay thể hiện sẽ lan tỏa đến khắp mọi miền của đất nước, để nhiều người hơn nữa biết đến Việt Trì – thành phố cội nguồn của dân tộc.
Lễ hội văn hóa dân gian đường phố và chương trình nghệ thuật do thành phố Việt Trì tổ chức thu hút 1734 người tham gia trình diễn, có những diễn viên chuyên, nhưng cũng có những diễn viên không chuyên, mỗi người một tâm thế, cảm xúc. Anh Trương Công Thanh – thành viên trong đoàn rước kiệu của phường Vân Phú cho biết: Rất vinh dự cho bản thân tôi cũng như phường Vân Phú được tham gia lễ hội năm nay. Là con cháu của Vua Hùng, tôi tự hào và nguyện sẽ nỗ lực hết mình để lễ hội dân gian hôm nay được diễn ra thành công tốt đẹp.
Lễ hội văn hóa dân gian đường phố là một trong những chương trình được tổ chức quy mô, với sự đầu tư, chuẩn bị kỹ càng, là một trong hai hoạt động mang đậm dấu ấn trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm Bính Thân 2016. Ông Nguyễn Kim Đưc – cán bộ văn hóa xã Chu Hóa cho biết: Chu Hóa năm nay được thành phố Việt Trì giao chọn 25 nam thanh niên đóng vai người Việt Cổ tham gia vào nhóm “Cha Rồng – Mẹ Tiên”. Ngay sau khi nhận được kế hoạch của thành phố, chúng tôi đã tổ chức tuyển chọn trong toàn xã những nam thành niên tuổi từ 18 đến 50 tuổi cùng với thành phố tập luyện trong vòng 1 tuần để có thể đảm bảo tốt tham gia chương trình hôm nay.
Phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Lê Hồng Vân – Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì khẳng định: Lễ hội văn hóa dân gian đường phố Việt Trì năm 2016 được tổ chức nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân thành phố Việt Trì và du khách bốn phương về tham dự lễ hội, thể hiện rõ nét văn hóa truyền thống đặc sắc của từng phường, xã, góp phần tạo thêm nhiều mảng màu tươi sáng trong bức tranh tổng quát về văn hóa dân gian của Thành phố. Đồng thời khẳng định sự nỗ lực, tâm huyết của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố Việt Trì trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa vùng Đất Tổ Vua Hùng. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của Thành phố, chúng ta cùng nhau chung tay “truyền lửa” cho các thế hệ trẻ ngày nay và mãi mãi mai sau lưu giữ các giá trị di sản văn hóa truyền thống để góp phần xây dựng Việt Trì ngày càng phát triển, từng bước trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Sau màn khai mạc, Lễ hội được tiếp nối với chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Việt Trì – thành phố lễ hội về với cội nguồn” với hai chương: Âm vang Đất Tổ và Việt Trì – tiềm năng vẫy gọi. Mở đầu là màn múa trống “Âm vang ngày hội” tạo không khí hào hùng cho buổi lễ.
Kết thúc Lễ hội là màn bắn pháo hoa tầm cao kéo dài 15 phút tại hồ Công viên Văn Lang.