Đồng thuận thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố
Cập nhật ngày: 21/08/2015 15:19
Cách đây tròn 70 năm, cùng với quân và dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân huyện Hạc Trì (nay là thành phố Việt Trì) hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bộ Việt Minh đã vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Quá trình chuẩn bị lực lượng chính trị, quân sự và cơ sở kinh tế, xã hội cho Cách mạng tháng Tám cũng là quá trình phát triển ngày càng mạnh mẽ của phong trào đấu tranh cách mạng ở Hạc Trì, sẵn sàng đón đợi, chớp thời cơ tiến hành khởi nghĩa. Đêm trước của ngày ban hành Lệnh Tổng khởi nghĩa - tối 12-8-1945, nhận thấy thời cơ đang đến, Hội nghị cán bộ các cơ sở huyện Hạc Trì được triệu tập dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Đồng - Ủy viên Ban cán sự liên tỉnh Phú - Yên để quyết định đẩy mạnh đấu tranh, khẩn trương sắm sửa vũ khí, chuẩn bị khởi nghĩa. Tiếp đó, ngày 17-8, cuộc họp thứ hai được tổ chức để thống nhất kế hoạch hành động. Hội nghị chủ trương dùng hình thức biểu tình quần chúng để khởi nghĩa; phân công cán bộ phụ trách huy động lực lượng từng vùng, chỉ huy từng mũi tiến công, cử ra Ủy ban khởi nghĩa huyện làm nhiệm vụ lãnh đạo và quyết định khởi nghĩa ở huyện Hạc Trì vào ngày 20-8-1945.

 

Theo đúng kế hoạch, từ ngày 18 đến 20-8, Việt Minh đã nhanh chóng huy động quần chúng ở các cơ sở trong huyện tham gia khởi nghĩa; đồng thời thảo tối hậu thư gửi quân đội Nhật yêu cầu không được cản trở khởi nghĩa của ta và giao nộp vũ khí cho lực lượng cách mạng. Trong điều kiện quân đội Nhật đã đầu hàng đồng minh, nên khi nhận được tối hậu thư, bọn Nhật ở Hạc Trì cam kết thực hiện những yêu cầu do ta đưa ra. Sáng sớm ngày 20-8-1945, cơ sở Việt Minh Việt Trì do đồng chí Quốc Thường chỉ huy với khoảng 300 quần chúng cách mạng và tự vệ từ các làng Trưng Vương, Sông Lô, Lâu Thượng qua Quất Thượng đem theo băng, cờ, khẩu hiệu và vũ khí thô sơ như gậy gộc, giáo mác ra thị trấn; từ các làng Văn Luông, Minh Nông, Thụy Vân, Vĩnh Mộ theo đê sông Hồng cùng lực lượng công nhân trong các công xưởng, nhà máy tập trung tại Việt Trì, sau đó kéo về trung tâm huyện lỵ tham gia khởi nghĩa. Trước khí thế rầm rộ của quần chúng và sự sẵn sàng của lực lượng tự vệ, tri huyện Phan Văn Đạo đã nhanh chóng đầu hàng, giao nộp toàn bộ vũ khí, tài sản cho Việt Minh. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền huyện diễn ra nhanh gọn, thuận lợi. Sau khi tuyên bố giải tán chính quyền tay sai cho thực dân, phát xít huyện ở Hạc Trì, đoàn biểu tình tỏa đi chiếm các công sở như Thương chính, Bưu điện, Sở Kiểm lâm, Nhà tằm, Nhà đoan, Trại lính... Bọn Nhật thực hiện đúng cam kết, không dám cản trở khởi nghĩa và phải trao cho Việt Minh 15 khẩu súng trường. Ngày 22-8, tại bãi Quần Ngựa (thuộc khu vực phường Thanh Miếu ngày nay), một cuộc mít tinh lớn được tổ chức, có hàng ngàn người tham dự để chào mừng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa và chứng kiến Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Hạc Trì gồm 5 ủy viên do ông Đinh Văn Thư làm Chủ tịch, ra mắt. Tiếp đó, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Hạc Trì tuyên bố thành lập chính quyền lâm thời thị trấn Việt Trì. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, khởi nghĩa giành chính quyền ở Hạc Trì đã thắng lợi.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy Phú Thọ, trong thời kỳ Mặt trận Việt Minh, Chi bộ Đảng ở Việt Trì đã vận dụng khéo léo đường lối của Đảng và Mặt trận Việt Minh vào địa phương, kịp thời làm tốt công tác vận động quần chúng, đưa phong trào cách mạng huyện Hạc Trì tiến những bước vững chắc, từ thấp đến cao, từ đấu tranh kinh tế đến đấu tranh chính trị và dấy lên cao trào kháng Nhật, cùng với nhân dân toàn tỉnh và nhân dân cả nước tiến hành Tổng khởi nghĩa thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

70 năm đã đi qua, nhưng cuộc Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 nói chung và khởi nghĩa ở Hạc Trì nói riêng, đã để lại  bài học vô giá về vai trò lãnh đạo của Đảng, về công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh nhân dân; về tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn thử thách để giành thắng lợi...Ý nghĩa thực tiễn của những bài học từ cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 cùng khí thế cách mạng hào hùng của 70 năm trước vẫn mãi mãi tồn tại, củng cố quyết tâm chính trị để Đảng bộ và nhân dân Việt Trì thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, giầu bản sắc trên quê hương Đất Tổ Hùng Vương.

Đại hội Đảng bộ thành phố Việt Trì lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020 vừa diễn ra và thành công tốt đẹp. Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và đổi mới, đại hội xác định: Trên cơ sở nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; nâng cao trình độ, trách nhiệm và nếp sống của nhân dân; Việt Trì khai thác, sử dụng hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tập trung thực hiện ba khâu đột phá; huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế- xã hội bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; xây dựng Việt Trì cơ bản trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Để hiện thực hóa các mục tiêu cơ bản về kinh tế- xã hội, trong tổng thể các giải pháp mà đại hội Đảng bộ thành phố đã xác định, ngoài vai trò lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý điều hành của các cấp chính quyền; có thể khẳng định yếu tố quyết định thành công là tạo được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cũng như việc đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân trong Cách mạng tháng Tám năm 1945; ngày nay, các nhiệm vụ về phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của thành phố đều đặt mục tiêu hướng tới nhân dân, vì toàn dân và do nhân dân cùng với đảng bộ, chính quyền các cấp phấn đấu thực hiện.

Với vị trí trung tâm đô thị động lực của tỉnh và vùng Tây Bắc; có hình thế tự nhiên và tiềm năng xã hội, nhân văn độc đáo và phong phú - là kinh đô nước Văn Lang, có Khu DTLS quốc gia đặc biệt Đền Hùng và di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hát Xoan của nhân loại; thành phố Việt Trì đang có nhiều cơ hội để phát triển.

Có sự quan tâm của Nhà nước, các nhà đầu tư và sự đồng thuận, nỗ lực cao của Đảng bộ và nhân dân, sự nỗ lực của toàn dân, Việt Trì sẽ sớm hội tụ đầy đủ các tiêu chí của đô thị loại I - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, KHKT của tỉnh; trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam - thành phố ngã ba sông với nhiều cây cầu đẹp và những con đường, công trình mang dấu ấn từ thời Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh, như Khu di tích Đền Hùng, đường Hùng Vương, đường Âu Cơ, đường Lạc Long Quân, Quảng trường Hùng Vương, Công viên Văn Lang, đường Nguyễn Tất Thành, đường Trần Phú...

 

Nguồn PTO