Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, thời gian qua, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố Việt Trì còn đưa di sản vào các hoạt động giáo dục, trải nghiệm trong nhà trường thông qua các bài học trên lớp, các hoạt động ngoại khóa, tham quan, trải nghiệm. Qua đây giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn về các di tích lịch sử văn hóa của dân tộc và được giáo dục kỹ năng, hành vi ứng xử trước di sản, di tích, nâng cao ý thức bảo vệ, gìn giữ di sản, di tích của quê hương mình; đồng thời trao truyền các giá trị của Hát Xoan đến với đông đảo thế hệ trẻ.
Em Nguyễn Thị Thanh Huyền - học sinh lớp 9C Trường THCS Kim Đức chia sẻ: “Từ nhỏ em đã rất thích Hát Xoan bởi thường được nghe bà hát ở nhà. Có lẽ bởi vậy mà làn điệu Xoan như ăn sâu, bén rễ trong tâm trí em. Ở trường, em được các nghệ nhân, cô giáo giảng dạy về tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc, trong đó đặc biệt là làn điệu Xoan cổ. Từng câu chữ, động tác được uốn nắn tỉ mỉ khiến em thêm yêu và cảm nhận rõ từng điệu Xoan. Hiện nay, các khối lớp của trường em đều có câu lạc bộ Hát Xoan riêng, chúng em thường xuyên trao đổi, trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng để Hát Xoan ngày càng lan tỏa rộng rãi”.
Hằng tuần, hằng tháng, ngoài việc dạy hát trong giờ Âm nhạc, học sinh Trường Tiểu học Tiên Cát (phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì) còn được nghệ nhân từ các phường Xoan gốc đến trực tiếp giảng dạy. Ngoài ra, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu câu lạc bộ Hát Xoan với các đơn vị ngoài trường. Thông qua hoạt động giao lưu, các em đã phát triển nhiều kỹ năng mềm, nhất là sự tự tin, kỹ năng hòa nhập với cộng đồng và ý thức giữ gìn, lưu truyền di sản. Để rồi, từ chỗ ngần ngại tiếp cận, nhiều học sinh đã thấy gần gũi, say mê, gắn bó với câu hát cha ông truyền lại.
Thầy Nguyễn Đức Thiện - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tiên Cát cho biết: “Ban đầu, việc đưa Hát Xoan vào trường học, nhất là bậc tiểu học còn nhiều khó khăn do đặc điểm lứa tuổi của học sinh còn nhỏ, còn lạ lẫm với cách biểu diễn mới lạ, tâm lý e ngại mặc những bộ trang phục cổ truyền và biểu diễn những động tác múa. Nhưng sau đó, nhờ công tác tuyên truyền của các nhà trường, đặc biệt là sự giúp đỡ của các nghệ nhân, sự tâm huyết của các thầy cô giáo, lòng đam mê của nhiều học sinh, câu Hát Xoan đã đến với học sinh một cách tự nhiên và thân thuộc. Đến nay, câu lạc bộ Xoan của thầy và trò nhà trường duy trì ổn định trên 40 thành viên, thường xuyên biểu diễn trong các buổi ngoại khóa, các buổi lễ lớn của trường”.
Vốn chỉ vang vọng nơi những sân đình cổ kính, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, ngày nay, Hát Xoan đã và đang lan tỏa tới nơi có những mầm non đang học tập và rèn luyện. Việc đưa Hát Xoan vào trường học đã giúp thế hệ trẻ hiểu được nguồn gốc, những giá trị độc đáo, nét đẹp và những thông điệp ý nghĩa thông qua các lời ca của Hát Xoan để từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm gìn giữ và phát triển di sản văn hóa mà ông cha để lại.