Quần thể công trình đền Tam Giang được xây dựng theo lối kiến trúc “Tiền thần, hậu Phật”. Cổng đền là kiến trúc độc đáo kiểu nghi môn, tứ trụ truyền thống. Phía trong là đền chính được thiết kế theo hình chữ đinh, gồm 2 tòa tiền tế và hậu tế. Đền còn giữ được các pho tượng và đồ vật quý như: tượng Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật cao 3,35m đúc bằng đồng trong tư thế oai phong, uy nghi, nhìn thẳng ra sông Lô; bia đá “hậu thần bia ký”- niên đại Gia Long năm thứ 17, 18; chuông đồng Thông Thánh quán chung ký- niên hiệu Minh Mệnh thứ 11- 1830; lư hương gốm da lươn, thuộc loại đồ gốm men da lươn cuối thế kỷ 18… Đây là những cổ vật mang đậm giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật. Để phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân thành phố ngã ba sông cũng như du khách thập phương, những năm qua, đền Tam Giang đã được Nhà nước quan tâm, nhân dân thập phương công đức đầu tư tu bổ, xây dựng.
Đền Tam Giang thờ các nhân vật lịch sử huyền thoại thời kỳ Hùng Vương dựng nước là Vũ Văn Trung Dực Uy Hiển Vương (húy là Thổ Lệnh); Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và thờ Mẫu. Để tưởng nhớ công ơn của các vị tiền nhân, nhân dân phường Bạch Hạc tổ chức cúng tế và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian sôi nổi, hấp dẫn. Kỳ tiệc thứ nhất được tổ chức vào dịp đầu xuân từ ngày 3 đến hết ngày 5 tháng giêng; kỳ tiệc thứ 2 được tổ chức vào ngày 30 tháng Ba âm lịch và kỳ thứ 3 được tổ chức vào ngày 25 tháng 9 âm lịch. Lễ hội được tổ chức với mục đích cầu mong các vị thần linh phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái, dân an. Tuy nhiên, do những biến cố lịch sử, chiến tranh nên trong suốt thời gian dài lễ hội không được tổ chức. Từ năm 2010 trở lại đây, Lễ hội Bạch Hạc, đền Tam Giang được chính quyền và nhân dân nghiên cứu, phục dựng trở lại 1 năm 2 lần theo các nghi thức truyền thống. Lễ hội được tổ chức gồm 2 phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ trang nghiêm từ nghi thức rước nước đến tế lễ; phần hội vui tươi, ý nghĩa với các trò chơi dân gian tạo được sự phấn khởi, đoàn kết trong bà con nhân dân và đông đảo du khách đến xem. Hoạt động đặc trưng nhất trong lễ hội đền Tam Giang phải kể đến là Hội bơi chải, đây là hoạt động luôn thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia, cổ vũ. Hội được tổ chức vào kỳ lễ hội tháng 3. Xưa chỉ có các giáp trong làng thi đấu với nhau, ngày nay lễ hội còn có sự tham gia của các đơn vị bạn. Tổ chức lễ hội bơi chải truyền thống trên sông Lô là một trong những hoạt động phục vụ Giỗ tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng hàng năm, nhằm tôn vinh giá trị, di sản văn hóa đặc sắc, quảng bá tiềm năng du lịch, đồng thời để phục dựng, chuẩn hóa nghi thức tổ chức lễ hội truyền thống. Chia sẻ với chúng tôi về việc bảo tồn và phát huy những giá trị tín ngưỡng, văn hóa tại đền Tam Giang, ông Nguyễn Văn Cống- Phó Ban quản lý đền Tam Giang- phường Bạch Hạc nói: “Ban quản lý di tích luôn luôn vận động bà con nhân dân và du khách thập phương khi về dâng hương, hành lễ tại đền thực hiện tốt các quy định của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch về thực hành tín ngưỡng, đồng thời giữ gìn các giá trị truyền thống của di tích và lễ hội riêng có của đền Tam Giang- phường Bạch Hạc để không bị mai một theo thời gian”.
Năm 2018, với Đề án phát triển du lịch thành phố Việt Trì giai đoạn 2018-2025, trong đó có nội dung cho lập Hồ sơ khoa học Lễ hội Đền Tam Giang để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét duyệt là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sau 1 năm triển khai thu thập tài liệu, xây dựng hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, Lễ hội Đền Tam Giang đã được Bộ VHTT và DL đã công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc Gia. Trong quá trình này, trên phần diện tích đất được phê duyệt công trình tu bổ, tôn tạo Nhà thờ Mẫu thuộc cụm di tích đền Tam Giang đã được hoàn thành; cùng với đó, tại Lễ đón bằng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đình Tam Giang đã được động thổ, khởi công xây dựng, khôi phục bằng nguồn vốn xã hội hóa góp phần tăng thêm sự trang nghiêm của khu di tích và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và du khách khi về với đền Tam Giang. Khi Lễ hội đền Tam Giang được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia thì người dân Bạch Hạc nói riêng, người dân thành phố Việt Trì nói chung rất vui mừng. Là một cụ cao niên trong phường Bạch Hạc, ông Nguyễn Trọng Nghĩa dù đã ngoài 80 tuổi nhưng cũng không giấu nổi niềm vui của mình khi Lễ hội đền Tam Giang được cấp bằng công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Ông Nghĩa vui vẻ nói với chúng tôi: “Được nhà nước cấp bằng công nhận di sản phi vật thể cấp Quốc gia cho Lễ hội đền Bạch Hạc, là một người dân trên địa bàn tôi rất vui và xúc động, đồng thời cảm thấy vinh dự. Sau bao nhiêu năm giữ gìn và bảo tồn lễ hội cũng như di tích đền Tam Giang, được công nhận như bây giờ chúng tôi sẽ càng vận động con cháu sao cho lễ hội mãi được trường tồn cùng dân tộc”
Đền Tam Giang và lễ hội đền Tam Giang như một bảo tàng sống mang giá trị vật chất cũng như tình thần, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư với những đặc trưng văn hóa riêng có. Đồng thời khẳng định những nỗ lực của các cấp chính quyền và nhân dân thành phố Việt Trì trong việc bảo tồn di tích cũng như khôi phục lễ hội, góp phần thiết thực trong tiến trình xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.