Báu vật của làng
Cập nhật ngày: 11/11/2019 13:51
Đi qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử cũng như sự bào mòn của thời gian, nhưng những sắc phong cổ vẫn còn nguyên giá trị và được ví như những “báu vật” nơi làng quê… Đây cũng chính là linh hồn, là yếu tố phi vật thể bảo tồn lâu dài các thành tố văn hóa vật thể (di tích) ở các làng xã.

Nằm ở hữu ngạn sông Lô, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì quanh năm luôn trù phú tốt tươi bởi dòng nước phù sa như nguồn sữa ngọt ngào mà mẹ thiên nhiên ban tặng. Trong cuộc sống xô bồ nhộn nhịp của xã hội hiện đại, đặc biệt là cơn lốc đô thị hóa ít ai biết ngôi làng này đã và đang lưu giữ được “kho báu độc nhất vô nhị” với hệ thống các đình, đền, miếu, cây di sản, ngọc phả, thần tích và các bản sắc phong từ các triều đại phong kiến. Trải qua hàng trăm năm với chiến tranh và những trận lụt, bão lịch sử, những bản ngọc phả, thần tích và sắc phong quý giá này vẫn được dân làng lưu giữ hết sức cẩn thận. Những sắc phong này được xem là “báu vật” vô giá của tiền nhân truyền lại, để lại niềm tự hào đời đời cho con cháu…

Trước khi cho chúng tôi chiêm ngưỡng và ghi hình những bản sắc phong này, các cụ trong Ban quản lý cụm di tích lịch sử văn hóa đình, đền, lăng thôn Hương Lan cùng cán bộ văn hóa xã làm lễ dâng hương tại Đền Thiên cổ - thờ Mẫu Vương Nguyễn Thị Thục và Phụ Vương Vũ Thế Lang, người thầy đầu tiên dạy học cho hai công chúa con Vua Hùng Vương thứ 18 là Tiên Dung và Ngọc Hoa với sự uy nghiêm, tôn kính đối với các vị tiền nhân. Dâng nén hương xin phép sư phụ, sư mẫu và các vị thành hoàng, các cụ mở khóa khu hậu cung, lên khám thờ lấy ra những “báu vật”. Các bản sắc phong được đựng trang trọng trong một hộp tráp hình chữ nhật sơn son thếp vàng, nhiều hoa văn rồng phượng. Đưa hộp gỗ ra sân đền, người bê tráp phải “cử án tề mi”, nâng cao ngang đầu, cho thấy sự trân trọng của người dân địa phương với các hiện vật hàng trăm năm tuổi.

Cất giữ phía trong hộp gỗ, các bản sắc phong bằng giấy còn được cuộn tròn vừa vặn trong các tấm ni lông. Những bàn tay nhẹ nhàng lần dở cho chúng tôi xem, cũng đủ thấy sự trân quý các bản sắc phong của các vị bô lão. Do mỗi thời đại khác nhau nên hoa văn mỗi bản sắc phong có nhiều dị biệt, kích thước các bản sắc phong cũng không đồng nhất, chiều dài từ 1,3 đến 1,5m, rộng chừng 50cm. Trải qua hàng trăm năm, và dù đã bị cháy lem một phần do hỏa hoạn nhưng những dòng chữ Hán Nôm màu đen trên bản giấy kim tiền mầu vàng nhạt vẫn còn hiện rõ. Dấu triện đỏ của các triều đình phong kiến, những hoa văn rồng múa lượn tượng trưng cho uy quyền của các triều vua được in chìm vẫn còn nguyên màu vàng lấp lánh…

Đã từng có hơn chục năm làm thủ từ Đền Thiên Cổ, cụ Nguyễn Ngọc Liên cho biết: Trước đây những đạo sắc này nằm rải rác ở các đình, đền và trong nhiều hộ dân. Nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là từ khi Đền Thiên cổ được đầu tư, xây dựng và mở rộng, các đạo sắc được người dân tự nguyện trao lại cho Ban quản lý di tích và được đưa về Đền Thiên cổ lưu giữ cẩn thận. Trước giờ, sắc phong được xem là đại diện cho vua nên người dân rất mực tôn kính. Mỗi tấm sắc phong được bảo tồn, lưu giữ nâng niu, trân trọng qua từng thế hệ bởi phần giá trị truyền thống, hồn cốt tinh thần vẹn nguyên trải qua những biến động của thời gian. Chính vì các sắc phong này đối với dân làng là “báu vật” nên bản thân tôi cũng luôn có ý thức trong việc giữ gìn cẩn thận. Mỗi lần thỉnh sắc đều phải thực hành các nghi lễ cúng tế trang nghiêm, thành kính. “Với tôi, không chỉ là “báu vật” của nhân dân, niềm tự hào đời đời của con cháu, các bản sắc phong cổ cũng chính là linh hồn, là yếu tố phi vật thể bảo tồn lâu dài các thành tố văn hóa vật thể (di tích) ở các làng xã. Nơi ấy, không chỉ có giá trị lịch sử, tư liệu quý giá mà còn là nơi giữ hồn cốt lễ hội dân gian, là “nhà” để người dân trong làng dù có đi đâu vẫn nhớ trở về…” - cụ Liên xúc động nói!

Hiện nay thôn Hương Lan đang lưu giữ 1 bản ngọc phả đình Hương Lan có niên hiệu Hồng Phúc năm thứ 2 (1573) chép về 3 vị thần: Đệ nhất Linh Lang Đại vương, đệ nhị Linh Lang Đại vương và Đệ tam Linh Lang Đại vương - 3 người con trai của Mẫu Vương Nguyễn Thị Thục, Phụ Vương Vũ Thế Lang, đồng thời cũng là 3 vị tướng tài thời Vua Hùng Duệ Vương, được nhân dân tôn làm Thành Hoàng làng cùng 3 bản sắc phong đã được dịch sang tiếng Việt. Căn cứ nội dung các bản dịch, bản sắc phong cổ nhất được ghi nhận từ thời vua Tự Đức năm thứ 6 (1853) và bản mới nhất được ban tặng vào thời vua Đồng Khánh năm thứ 2 (1887).

Ngoài cụm di tích đình, đền lăng thôn Hương Lan, xã Trưng vương còn lưu giữ được 1 bản ngọc phả đình Nội Lâu Thượng nói về sự tích Hai Bà Trưng và các vị thổ thần được lập thời Hồng Phúc (1572); 1 bản ngọc phả đình Kim Quất Hạ được lập từ thời Hồng Đức năm thứ 2 (1471) ca ngợi công trạng của Đại Nại Cao Sơn (là con thứ hai của Hùng Hiền Vương) và Bạch Sơn Quý Minh Đại vương (là Thượng đẳng phúc Thần, Đại tướng quân đánh thắng quân Thục tại Tiên Du - Phù Ninh) cùng 8 đạo sắc phong từ thời vua Gia Long năm thứ 9 (1801) đến thời Đồng Khánh năm thứ 2 (1887) xác nhận việc thờ cúng hợp thức của làng và ban mỹ tự cho Thần thờ trong đình. Các sắc phong này ngoài việc phong mỹ tự, ban chiếu sắc cho được thờ cúng còn truyền đạt công đức của các vị thành hoàng, các nhân thần có công lao vì nước vì dân, cũng như yêu cầu các thế con cháu sau này cần phải thờ phụng và biết đến quê hương, nguồn cội, bảo vệ đất nước. Đồng thời, dặn dò con cháu phải sống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau…

Các bản sắc phong được truyền từ thế hệ này đến thế hệ kia thông qua hội đồng các dòng họ của làng và hiện nay là Ban quản lý các di tích lịch sử văn hóa của xã là minh chứng quý giá cho bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa của vùng đất Trưng Vương. Những sắc phong này không chỉ có ý nghĩa lịch sử, văn hóa mà còn là tài sản vô giá của tổ tiên để lại cho thế hệ mai sau. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống, răn dạy con cháu noi gương các thế hệ ông cha tích cực tu dưỡng, rèn luyện và cố gắng học tập để đỗ đạt thành tài, trở thành người có ích cho đất nước, quê hương…

 

PTĐT
Các tin khác:
Tìm kiếm:  
  CHIẾN LƯỢC - QUY HOẠCH
Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050
Ngày 30/12/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3602/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
  Người phát ngôn báo chí
DANH SÁCH NGƯỜI PHÁT NGÔN, CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA UBND THÀNH PHỐ VÀ CÁC PHƯỜNG, XÃ
DANH SÁCH NGƯỜI PHÁT NGÔN, CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ CỦA UBND THÀNH PHỐ VÀ CÁC PHƯỜNG, XÃ
  Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,phong cách Hồ Chí Minh
Học Bác ở tinh thần nêu gương
Năm 1947, Đảng bộ và nhân dân xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì vinh dự và tự hào khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi ở, làm việc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là dấu son tiếp thêm động lực cho địa phương trong chặng...
  Văn minh Đô thị
Bạch Hạc tổ chức Hội thi tuyên truyền thực hiện Quy chế quản lý đô thị thành phố năm 2024
Ngày 09/8, tại phường Bạch Hạc đã diễn ra Hội thi tuyên truyền thực hiện Quy chế quản lý đô thị thành phố năm 2024. Tới dự có các đồng chí lãnh đạo Hội Cựu chiến binh; Hội LHPN Thành phố; Phòng Quản lý đô thị Thành phố; Thành Đoàn Việt...