Khởi sắc cho nông nghiệp đô thị tại Việt Trì
Cập nhật ngày: 20/07/2018 12:19
Nông nghiệp đô thị là xu thế phát triển tất yếu cho ngành nông nghiệp ở các đô thị lớn hiện nay. Tại Việt Trì, nhiều hộ dân đã mạnh dạn xây dựng mô hình kinh tế mới, ứng dụng công nghệ cao, thay vì cố duy trì những mô hình cây trồng, con giống với phương thức canh tác truyền thống kém hiệu quả, để tạo ra giá trị kinh tế cao trên cùng một đơn vị diện tích.

Mô hình măng tây xanh của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Hòa ở xã Sông Lô, thành phố Việt Trì được trồng trên 1 ha diện tích đất bãi ven sông vốn trước đây được gia đình chuyên trồng ngô. Lứa măng đầu tiên vừa qua đã cho gia đình chị Hòa thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết: Cây măng tây xanh cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với đất phù sa ở Sông Lô. Cây có hàm lượng dinh dưỡng cao, có lượng tiêu thụ lớn trên thị trường nên Tôi chọn trồng giống cây này.

Tại các xã, phường vùng ven thành phố, nhiều hộ dân đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng, có sức cạnh tranh cao khi ra thị trường. Mô hình khảo nghiệm trồng dưa vàng, dưa lưới chất lượng cao ở xã Hùng Lô cũng đang bước đầu cho hiệu quả, mở ra hướng đi mới cho nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững. Chị Nguyễn Thị Phượng - xã Hùng Lô – thành phố Việt Trì cho biết: Năm nay, Tôi mới thử giống trên 1,3ha. Dự kiến vụ thu đông tới, Tôi sẽ mở rộng thêm làm trên cả 3ha, áp dụng công nghệ cao cho cả dưa lê, dưa lưới, dưa trắng và trồng trong nhà lưới.

Chuyển đổi diện tích cây trồng, phát triển nông nghiệp đô thị không chỉ giúp người dân nội đô tăng thêm thu nhập, mà còn giúp địa phương tự chủ về nguồn nông sản. Xã Hy Cương, trong 10 năm gần đây, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp 30 ha. Do đó, thời gian qua, chính quyền địa phương đã khuyến khích, hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi diện tích đất sử dụng, hình thành mô hình chăn nuôi lợn, ong, trồng bưởi… đạt hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, mô hình Bưởi Diễn ban đầu chỉ có xã Hy Cương, nay đã được nhân rộng ra nhiều xã, phường khác trong thành phố. Ông Đào Văn Dư - Chủ tịch UBND xã Hy Cương – thành phố Việt Trì khẳng định: Xã cũng định hướng trong những năm gần đây tập trung vào các mô hình, ngoài những mô hình chăn nuôi lợn, gà bình thường cố gắng giữ  vững và đi vào chất lượng là chính. Hàng năm mở các lớp dạy nghề, thông báo rộng rãi đến các hộ có nhu cầu học.

Thời gian qua, thành phố Việt Trì đã ban hành nhiều chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ kịp thời, khuyến khích doanh nghiệp, nông dân đầu tư theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Nếu như giai đoạn 2013 – 2015, thành phố đầu tư hỗ trợ hơn 3 tỷ 180 triệu đồng cho phát triển nông nghiệp đô thị, cận đô thị, thì đến giai đoạn 2016 – 2020, dự kiến hơn 7 tỷ 875 triệu đồng. Năm 2017, thành phố đã đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm: rau an toàn Tân Đức và Mỳ, miến Hùng Lô. Ông Phan Thanh Dương - Trưởng phòng Kinh tế thành phố Việt Trì cho biết: Thực hiện Nghị quyết của đại hội Đảng bộ thành phố Việt Trì lần thứ 20, nhiệm kỳ 2015 – 2020, trong đó có một chỉ tiêu là giá trị trên 1 đơn vị diện tích canh tác và nuôi trồng thủy sản phải đạt 120 triệu đồng/ha, thời gian tới đây, ngoài các hộ gia đình và doanh nghiệp chủ động được nguồn kinh phí, thành phố sẽ hỗ trợ từ ngân sách thành phố đối với những mô hình có hiệu quả, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và thành phố cũng sẽ lựa chọn địa điểm, các hộ dân và nhà đầu tư để mở rộng các mô hình.

Những mô hình mới, cách làm hay, những sản phẩm sạch, chất lượng với chỗ đứng ổn định trên thị trường đã tạo nên những dấu ấn riêng cho nền nông nghiệp đô thị Việt Trì. Đây sẽ cơ sở bước đầu khẳng định định hướng phát triển tất yếu của mô hình nông nghiệp bền vững ở thành phố Việt Trì.

Thùy Dung – Tiến Dũng - Huy Hưng