![]() |
Trên cơ sở quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030, thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện phát triển công nghiệp theo quy hoạch được duyệt, cùng với những giải pháp cụ thể, thiết thực, sản xuất công nghiệp của thành phố trong những năm qua đã có những bước chuyển tích cực, tốc độ tăng trưởng công nghiệp năm sau đều cao hơn năm trước, khẳng định vị thế là trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh. Năm 2017, giá trị mới tăng thêm ngành công nghiệp xây dựng (giá so sánh 2010) toàn thành phố đạt 6.674 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm, tăng 9,76% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị của một số sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao tăng như: Sản phẩm in, chế bản; hóa chất các loại; phụ tùng xe các loại; camera và sản phẩm quang học; sản phẩm dệt khác; một số ngành có sản lượng tăng như: giấy bìa các loại, mì chính, bia…Hiện trên địa bàn thành phố đã có 305 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp; thu hút và giải quyết việc làm cho 43.270 lao động với thu nhập bình quân của người lao động 5,8 triệu đồng/người/tháng.
Những kết quả đó khẳng định năng lực nội tại cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố trong việc triển khai Nghị quyết số 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Ngoài thực hiện những chủ trương, chính sách của Trung ương và tỉnh, Thành phố đã có cơ chế khuyến khích tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở sản xuất hộ gia đình đầu tư phát triển sản xuất. Trong đó, quan tâm, chú trọng thu hút các dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, có giá trị gia tăng cao, thu nộp ngân sách lớn và thân thiện với môi trường. Bên cạnh việc định hướng và xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, thành phố Việt Trì đã tập trung chỉ đạo thực hiện phát triển công nghiệp theo đúng quy hoạch đã được duyệt, đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản để đảm bảo quyền được chuyển nhượng, giao dịch, thế chấp, tạo điều kiện huy động nguồn vốn cho các nhà đầu tư. Đồng thời phối hợp triển khai các chính sách tín dụng (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao) để các nhà đầu tư được tiếp cận và thụ hưởng các gói tín dụng ưu đãi.
Thành phố cũng đặc biệt quan tâm khuyến khích các nhà đầu tư nghiên cứu, đẩy mạnh chuyển giao, đầu tư đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ theo hướng hiện đại, ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Về hạ tầng cơ sở, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng luôn được thành phố đẩy mạnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các dự án đầu tư được cung cấp điện, nước, hệ thống thông tin liên lạc, giao thông, bến bãi, nhất là mặt bằng sản xuất. Hiện trên địa bàn thành phố có Khu công nghiệp Thụy Vân với diện tích 260 ha, có 78 doanh nghiệp thuê đất và đang hoạt động, đạt tỉ lệ lấp đầy 97% diện tích. Sản phẩm đầu tư của các doanh nghiệp tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành: Hóa chất, dệt may, linh kiện điện tử, nhôm định hình, nhựa plastic, vật liệu xây dựng, bao bì…
Với những chủ trương, chính sách đó, nhiều dự án đã được đầu tư vào thành phố, từng bước hình thành các khu vực sản xuất tập trung, gắn mục tiêu đẩy mạnh phát triển công nghiệp với xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường, phát triển công nghiệp theo hướng bền vững. Để bảo vệ môi trường, thành phố thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, hướng dẫn việc xử lý chất thải, đảm bảo môi trường trong quá trình sản xuất. Những thiếu sót trong quá trình thực hiện đều được chỉ đạo khắc phục kịp thời. Hiện nay, việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn nguy hại tại KCN được các doanh nghiệp ký hợp đồng với các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 thành phố có trên 5.500 doanh nghiệp; mỗi năm đóng góp của doanh nghiệp ngành công nghiệp-xây dựng đạt trên 60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và trên 80% tổng thu ngân sách của thành phố; thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư theo nguyên tắc tăng trưởng kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường bền vững, ưu tiên các dự án đầu tư có giá trị gia tăng cao, tạo nguồn thu lâu dài cho ngân sách. Chuyển dịch cơ cấu phát triển công nghiệp theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, áp dụng công nghệ cao, công nghiệp xanh. Công bố công khai quy hoạch công nghiệp, đất đai, các quy hoạch liên quan và danh mục các dự án mới gọi đầu tư theo thứ tự ưu tiên, cũng như các chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động sang các ngành công nghiệp, dịch vụ; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, sự chủ động, quyết liệt của cả hệ thống chính trị thành phố, cùng với sự đồng thuận và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, mục tiêu xây dựng Việt Trì trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam vào năm 2020 và phấn đấu đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, Việt Trì trở thành một trong 12 đô thị trung tâm vùng của cả nước sẽ sớm thành hiện thực.