![]() |
Vốn nổi tiếng lâu năm với nghề làm mỳ gạo, bún bánh từ nhiều thập kỷ, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì trải qua nhiều khó khăn nhưng người dân trong xã vẫn giữ và truyền những kỹ thuật làm mỳ, bún, bánh, nhờ đó cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên. Xã Hùng Lô có khoảng trên 2000 hộ dân thì có tới 80% số hộ làm nghề, trong đó 2 khu 8 và khu 9 là nơi sản xuất mỳ khô nhiều nhất của xã. Năm 2014, làng làm mỳ khô được công nhận là làng nghề truyền thống. Đây chính là động lực cho làng nghề làm mỳ, bún nổi tiếng của xã phát triển hơn. Tuy nhiên, sau một thời gian thì sự cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường kém đi, các hộ gia đình khá chật vật để tìm đầu ra cho sản phẩm. Trước tình hình đó, tháng 7/2016, Hợp tác xã Mỳ gạo Hùng Lô ra đời chính thức được thành lập do anh Cao Đăng Duy làm giám đốc với sự tham gia của nhiều thành viên nhỏ lẻ. Việc ra đời của Hợp tác xã đã tạo cho sản phẩm được sản xuất quy mô, các công đoạn sản xuất của thành viên HTX đều đảm bảo nghiêm ngặt quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm mì khô của HTX xuất bán ra thị trường được đóng gói, có logo, nhãn mác. Đến nay, Mì gạo Hùng Lô đã có mặt tại thị trường các tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Thanh Hóa, Hà Nội, Yên Bái; tham gia trưng bày tại một số Hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp các tỉnh Phía Bắc…Trung bình mỗi tháng Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ khoảng 25 đến 30 tấn mì gạo; năm 2016, doanh thu của Hợp tác xã đạt trên 5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 600 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 8 lao động của địa phương với thu nhập bình quân đạt gần 4 triệu đồng/tháng.
Cũng ở xã Hùng Lô, làng nghề khu 14, còn gọi là làng Xốm đã có truyền thống trên 30 năm, với gần 200 hộ làm nghề, trong đó có 48 hộ trực tiếp sản xuất bánh chưng, bánh giầy, chiếm 25% tổng số hộ và 110 lao động tham gia làng nghề, chiếm 44% tổng số lao động của làng. Các sản phẩm chủ yếu là bánh chưng, bánh giầy sản xuất theo quy mô nhỏ, tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh và các vùng lân cận. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 27 triệu đồng/ người/ năm. Có thể nói, thu nhập từ làm nghề truyền thống đã mang lại sự khởi sắc cho cuộc sống cũng như bộ mặt chung của địa phương. Để sản phẩm nghề truyền thống được phát triển mạnh, có thị trường tiêu thụ rộng khắp hơn, xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin với người tiêu dùng trong việc tiêu thụ sản phẩm, UBND Thành phố Việt Trì, xã Hùng Lô đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xúc tiến xây dựng, thực hiện lựa chọn và giao cho Hợp tác xã Mì gạo Hùng Lô đứng tên là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể, có trách nhiệm tổ chức thực hiện các hoạt động đăng ký, quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể Mì gạo Hùng Lô. Đây là tín hiệu đáng mừng cho làng nghề phát triển hơn. Anh Cao Đăng Duy – Giám đốc HTX Mỳ gạo Hùng Lô cho biết “Từ ngày được công nhận nhãn hiệu, việc sản xuất mỳ gao Hùng Lô đã đi lên rõ rệt. Cụ thể trong HTX năng suất tăng lên rõ rệt, chất lượng cũng được cải thiện, bởi khi đã đóng gói tem nhãn, bao bì thì bắt buộc phải có rõ nguồn gốc xuất xứ. Các công đoạn sản xuất được cải tiến về máy móc, kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo hơn so với lúc chưa được đăng ký thương hiệu”
Có thể nói, những hạn chế lớn về thị trường đặc biệt là thị trường tiêu thụ sản phẩm đang là nguyên nhân chủ yếu làm giảm tốc độ phát triển của các ngành nghề truyền thống. Phát triển thị trường ở đây phải căn cứ vào nhiều yếu tố như: Thu nhập của người dân, nhu cầu đối với sản phẩm hiện tại và trong tương lai, cũng như mẫu mã, giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về việc tạo ra một sản phẩm chất lượng, được gắn nhãn mác công nhận cũng cần được thay đổi để chính mình tạo thị trường cho mình. Để làm được điều đó, rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành chức năng liên quan, trước hết là địa phương nơi có sản phẩm truyền thống. Ông Nguyễn Tiến Đức – Chủ tịch UBND xã Hùng Lô, Việt Trì cho biết “Địa phương sẽ quan tâm, quy hoạch thành những khu vực để Hợp tác xã sản xuất sản phẩm có khu, kho bãi, bên cạnh đó cũng để không làm ảnh hưởng đến môi trường; các xã viên tham gia cũng sẽ yên tâm hơn trong việc làm ra sản phẩm”
Đến thăm làng nghề trồng rau an toàn tại xã Tân Đức, Việt Trì, chúng tôi đã cảm nhận được sự thay đổi về quy mô cũng như cách thức sản xuất nơi đây. Rau an toàn Tân Đức đã có mặt trên thị trường, được người tiêu dùng yên tâm sử dụng, nhưng cũng như một số sản phẩm truyền thống khác, để rau an toàn thực sự “an toàn” có chỗ đứng trên thị trường thì cần phải có một nhãn hiệu bảo hộ. Trước tình hình đó, Phòng Kinh tế thành phố Việt Trì phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và đào tạo trực thuộc Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức tập huấn bảo hộ, quản lý nhãn hiệu tập thể “Rau an toàn Tân Đức” cho các hộ nông dân sản xuất rau an toàn của xã. Qua đó, đã được cung cấp các thông tin cơ bản như mục đích bảo hộ quyền sở hữu tập thể đối với đặc sản địa phương; những lợi ích của việc bảo hộ đối với người sản xuất và người tiêu dùng; quy trình trao (cấp), thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể và quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể… Đây là những bước đi đầu tiên trong đăng ký, thiết lập, sử dụng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm rau an toàn ở Tân Đức. Sau khi xây dựng được nhãn hiệu tập thể sẽ góp phần kiểm soát về chất lượng đầu vào và đầu ra của sản phẩm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của cộng đồng nhân dân trồng rau an toàn; Đồng thời, ngăn chặn hiện tượng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, loại trừ hàng không đúng nguồn gốc, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân vùng rau.
Để sản phẩm của các làng nghề truyền thống đứng bền vững, đồng thời mở rộng được thị trường tiêu thụ ra khỏi địa phương, các đơn vị từ Tỉnh đến thành phố và địa phươgn cần có sự phối hợp và quan tâm cụ thể. Trước hết công tác quảng bá, giới thiệu cần được đẩy mạnh; Thành phố nên dành vị trí thuận lợi để tổ chức các trung tâm, các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm của các ngành nghề. Công tác đào tạo nghề cần đẩy mạnh và có một phần ngân sách hỗ trợ. Thực tế cho thấy, các cơ sở ngành nghề rất nhanh nhạy trong việc mở rộng tìm kiếm thị trường. Ngành nghề phát triển tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ra đời ngược lại chính các doanh nghiệp đã thúc đẩy các hoạt động ngành nghề phát triển trong thời gian vừa qua.. Đối với các đơn vị sản xuất ngành nghề, cần chú trọng nâng cao trình độ của đội ngũ nguồn nhân lực, nghiên cứu thị trường để có được những thông tin nhanh nhất, chính xác nhất về thị trường; xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm rộng khắp. Chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất ngành nghề. Đồng thời quan tâm tới việc bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định lâu dài tại địa phương. Một nguồn nguyên liệu sẵn có tại chỗ, có chất lượng chắc chắn sẽ tạo ra được những sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Sản phẩm chất lượng thì việc tạo nhãn hiệu, thương hiệu không phải là khó. Ông Phan Thanh Dương – Trưởng Phòng Kinh tế thành phố chia sẻ “Trên địa bàn thành phố Việt Trì hiện có 4 làng nghề truyền thống là làng nghề rau an toàn Tân Đức, làng nghề Hoa Đào nhà Nít Thanh Đình, làng nghề chế biến thực phẩm khu 9 Đoàn kết Hùng Lô; làng nghề bánh chưng bánh giày. Việc phát triển làng nghề luôn được thành phố Việt Trì và các đơn vị trên địa bàn quan tâm, đồng thời có định hướng phát triển. Trong thời gian tới, năm 2018, thành phố sẽ phát triển thêm làng nghề nấu rượu thủ công truyền thống của xã Hùng Lô, và thương hiệu này cũng được Sở khoa học công nghệ tỉnh Phú Thọ hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu trong năm 2018. Còn các làng nghề khác như Cơ khí xây dựng ở Thuỵ Vân; chế biến bánh truyền thống ở Hy Cương; một số làng nghề khác, chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị xã, phường có sản xuất sản phẩm theo quy định. Việc phát triển các làng nghề trên địa bàn thành phố là vịêc tất yếu, qua đó tập hợp được nguồn nhân lực, cũng như trí tuệ của tập thể trong việc sản xuất, đặc biệt trong việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu tập thể sẽ làm cho việc sản xuất sản phẩm được tốt hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu, khẳng định lòng tin đối với người tiêu dùng”
Tháo gỡ những khó khăn cho những làng nghề, thời gian tới cần có sự hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành và địa phương để định hướng, quy hoạch tổng thể, lâu dài nhằm phát triển làng nghề ở Thành phố, đồng thời giúp các làng nghề tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, nâng cao năng lực quản lý; hỗ trợ đào tạo; đầu tư trang thiết bị hiện đại bên cạnh đó tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng một số doanh nghiệp hạt nhân tại làng nghề và kêu gọi các nhà doanh nghiệp đầu tư sản xuất nghề truyền thống. Hy vọng trong thời gian không xa, Việt Trì sẽ có thêm nhiều sản phẩm truyền thống chất lượng, có chỗ đứng trên thị trường cả nước./.